Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển sâu rộng, gia tăng các phương tiện giao thông và tập luyện thể thao làm cho tỷ lệ chấn thương, trong đó có chấn thương khớp gối
ngày càng tăng. Thương tổn sụn chêm do chấn thương khớp gối thường gặp, chiếm 68–75%, nhiều hơn so với các loại tổn thương sụn chêm do các nguyên nhân khác.
Đối với thương tổn sụn chêm, các phương pháp điều trị kinh điển như “nắn lại” sụn bị rách hoặc bất động khớp gối sau chấn thương đã có những kết quả nhất định. Kết quả điều trị các phương pháp này phụ thuộc vào tính chất, hình thái và vị trí của đường rách. Tuy nhiên, có nhược điểm là thời gian bất động kéo dài sau chấn thương do đó có những hạn chế.
Phương pháp điều trị phẫu thuật mở khớp gối để cắt sụn chêm bán phần hay toàn phần đã được áp dụng trong một thời gian dài nhưng nhược điểm của phương pháp này là phải bất động sau phẫu thuật, thời gian điều trị kéo dài, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dễ bỏ sót tổn thương và gây nhiều thương tổn phần mềm, do đó, kết quả phục hồi cơ năng cho khớp gối bị hạn chế.
Nhờ kỹ thuật chụp cộng hưởng từ hạt nhân cho phép thấy rõ hình ảnh tổn thương của các thành phần bên trong khớp, giúp phẫu thuật viên đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp, có ý nghĩa rất lớn trong việc tránh được những hậu quả không đáng có phát sinh từ thương tổn này như hạn chế vận động của khớp gối, teo cơ, thoái hóa khớp cũng như việc phục hồi vận động khớp gối.
Phẫu thuật nội soi khớp gối lần đầu tiên được tiến hành trên thế giới vào năm 1955 do Watanabe M. thực hiện và đã phát triển nhanh chóng. Nhờ từng bước hoàn thiện và được ứng dụng ngày càng rộng rãi với nhiều ưu điểm: chẩn đoán chính xác các thương tổn bên trong khớp gối, xử trí triệt để các thương tổn đó. Các tác giả đều đi đến kết luận rằng những phẫu thuật thực hiện dưới nội soi chính xác hơn so với những phẫu thuật cùng loại theo phương pháp kinh điển, rút ngắn thời gian nằm viện và nhanh chóng phục hồi chức năng sau phẫu thuật, giúp người bệnh trở lại đời sống sinh hoạt và lao động bình thường. Quan trọng hơn cả là kết luận thông qua nhiều công trình nghiên cứu, các tác giả đều thống nhất đó là việc cắt bỏ sụn chêm sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp sau này.
Nhờ những hiểu biết ngày càng rõ hơn về nguồn cấp máu và mô bệnh học của sụn chêm, người ta thấy rằng có những tổn thương rách sụn chêm vẫn có thể khâu phục hồi, vết rách có thể liền trở lại. Năm 1969, Hiroshi Ikeuchi đã tiến hành trường hợp phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm đầu tiên bằng kỹ thuật khâu từ trong ra ngoài (inside – out). Sau đó Henning, Albrecht, Olsen,… tiếp tục phát triển kỹ thuật này.
Cho đến năm 1985, Waren đưa ra kỹ thuật nội soi khâu sụn chêm từ ngoài vào trong (outside – in) cho các trường hợp rách sụn chêm do chấn thương. Tiếp theo đó, nhờ các tiến bộ về dụng cụ, đã xuất hiện kỹ thuật khâu sụn chêm hoàn toàn từ bên trong (all inside). Tuy nhiên, kỹ thuật nội soi khâu rách sụn chêm từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài vẫn được nhiều phẫu thuật viên áp dụng vì kỹ thuật đơn giản, không cần dụng cụ phức tạp.
Những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị thương tổn rách sụn chêm tại Việt Nam trước năm 1994 còn rất sơ sài. Hầu hết các tổn thương trong khớp gối, kể cả sụn chêm đều được xử trí thông qua phẫu thuật mở khớp, vì thế kết quả của phẫu thuật mang lại chưa cao và có nhiều biến chứng. Bắt đầu từ những năm tiếp theo cho đến nay, kỹ thuật nội soi khớp mới được phát triển, ứng dụng ngày một sâu rộng ở nhiều bệnh viện, trung tâm trong cả nước và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong chẩn đoán và điều trị thương tổn sụn chêm. Chính vì thế, chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách Tổn thương sụn chêm: chẩn đoán và điều trị là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các độc giả phục vụ trong điều trị các thương tổn sụn chêm.
Chương 1. TỔNG QUAN SỤN CHÊM
1. Đặc điểm giải phẫu học của sụn chêm
1.1. Sụn chêm trong
1.2. Sụn chêm ngoài
1.3. Thần kinh và mạch máu nuôi sụn chêm
2. Mô học của sụn chêm
3. Cơ sinh học của sụn chêm
4. Vai trò của sụn chêm
4.1. Phân phối và dàn đều trọng lực cơ thể tác động xuống mâm chày
4.2. Vai trò hấp phụ lực tác động xuống mâm chày
4.3. Chức năng tăng diện tiếp xúc giữa lồi cầu đùi với mâm chày
4.4. Chức năng dàn đều dịch khớp
4.5. Các vai trò khác
Chương 2. HÌNH THÁI TỔN THƯƠNG RÁCH SỤN CHÊM
1. Theo vị trí
2. Theo tính chất thời gian
3. Theo phân vùng cấp máu sụn chêm
4. Theo hình thái đường rách
4.1. Phân loại tổn thương kinh điển của Trillat chia làm ba độ và áp dụng cho sụn chêm trong
4.2. Phân loại tổn thương sụn chêm theo Hội Phẫu thuật nội soi khớp của Pháp
4.3. Phân loại theo O’Connor
Chương 3. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN TỔN THƯƠNG SỤN CHÊM
1. Lâm sàng
1.1. Đau chói hay đau khe khớp khi ấn ngón tay
vào khớp gối
1.2. Kẹt khớp
1.3. Tràn máu khớp gối
1.4. Các nghiệm pháp lâm sàng
2. Cận lâm sàng
2.1. Chụp X-quang thẳng nghiêng
2.2. Chụp cản quang sụn chêm khớp gối
2.3. Chụp CT-scanner có cản quang
2.4. Siêu âm khớp
2.5. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
2.6. Thăm khám khớp bằng nội soi
Chương 4. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ RÁCH SỤN CHÊM
1. Điều trị bảo tồn
2. Điều trị bằng phẫu thuật
2.1. Phẫu thuật mở
2.2. Phẫu thuật nội soi
Chương 5. PHẪU THUẬT NỘI SOI KHỚP ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG SỤN CHÊM
1. Chỉ định phẫu thuật
2. Phương tiện dụng cụ
3. Phương pháp vô cảm và tư thế bệnh nhân
3.1. Phương pháp vô cảm
3.2. Tư thế của bệnh nhân
4. Kỹ thuật tiến hành
4.1. Đánh giá hình thái thương tổn rách sụn chêm và các tổn thương phối hợp qua nội soi
4.2. Kỹ thuật khâu sụn chêm
Chương 6. VẬT LÝ TRỊ LIỆU SAU PHẪU THUẬT
1. Những lưu ý sau phẫu thuật nội soi điều trị thương tổn sụn chêm
2. Các phương pháp tập luyện dành riêng cho từng loại tổn thương
Chương 7. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG SỤN CHÊM
1. Đánh giá kết quả dựa vào cảm giác chủ quan
2. Đánh giá kết quả dựa vào các dấu hiệu lâm sàng khách quan
3. Nghiên cứu ở Việt Nam
PGS.TS.BS Võ Thành Toàn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc khám và điều trị các bệnh cơ xương khớp – chấn thương chỉnh hình.
Nội dung trên website được giữ toàn bản quyền, vui lòng không sao chép, in ấn, mua bán, khi chưa được sự cho phép
Nhận bài bài viết mới, bài giảng, chuyên đề qua email hàng tuần bằng cách điền email và khung bên dưới