Bệnh lý bàn chân đái tháo đường

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn
Bệnh Lý Bàn Chân đái Tháo đường

ĐẠI CƯƠNG

Bàn chân đái tháo đường theo định nghĩa của WHO là nhiễm trùng, loét và sự phá hủy các mô sâu có kết hợp với những bất thường về thần kinh và các mức độ khác nhau về bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.

Loét và hoại tử bàn chân rất hay gặp ở người bệnh đái tháo đường, ở các quốc gia đang phát triển tỉ lệ xảy ra cao hơn, người lớn tuổi dễ mắc hơn, với nguy cơ cắt cụt chi cao.

Picture13
Hình 20.1. Bàn chân đái tháo đường với hoại tử, nhiễm trùng bàn ngón chân. Nguồn: Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM

NGUYÊN NHÂN

Tổn thương thần kinh ngoại biên

Có thể xảy ra ở bất kì bệnh nhận đái tháo đường nào làm giảm khả năng cảm giác đau, nóng, lạnh, cảm nhận. Cơ chế tổn thương chưa rõ ràng, có thể lượng glucose máu tăng gây tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, thiếu máu nuôi dẫn đến teo, hư dây thần kinh.

Picture14
Hình 20.2. Thiếu máu nuôi dẫn đến teo, hư dây thần kinh. Nguồn: Dr. Imtiyaz I Kapadwala, “Diabetic Nerve Damage in the Feet- Imtiyaz I Kapadwala DPM Wound Specialist in Brooklyn-Ridgewood NY”, https://www.youtube.com/watch?v=b3EN47jZZgg, trích dẫn 20/10/2022

Các triệu chứng thường gặp của biến chứng thần kinh:

  • Dấu hiệu sớm: giảm cảm giác giống nhau ở hai chân, chủ yếu là bàn chân
  • Cảm giác tê bì ở chân, nhất là ở đầu ngón và bàn chân
  • Đau, nóng rát ở gan bàn chân, tăng về đêm. Cơn đau thường không đáp ứng với thuốc giảm đau
  • Giai đoạn muộn có thể mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ tại khu vực thần kinh bị tổn thương. Vì thế, bệnh nhân không thể nhận biết nóng lạnh, đau sau chấn thương, vật nhọn đâm,… dẫn tới gây sưng tấy hoặc nhiễm trùng nặng.

Biến chứng thần kinh khớp (bàn chân Charcot) là một biến chứng ít được chú ý, gây ra biến dạng và mất chức năng bàn chân, có thể xảy ra trước khi có biến chứng mạch máu ngoại biên.

Tổn thương mạch máu

Người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc dẫn đến thiếu máu nuôi. Có thể xảy ra trên tất cả các mạch máu lớn hoặc nhỏ như động mạch chủ, động mạch đùi,…

Tổn thương mạch máu chi dưới gây ra tình trạng thiếu máu. Nhẹ có thể gây ra biến chứng thần kinh, kéo dài tình trạng nhiễm trùng,… nặng có thể dẫn đến hoại tử chi, thường bắt đầu từ các phần xa như đầu ngón sau đó lan lên cao.

Picture15
Hình 20.3. Hoại tử khô do biến chứng mạch máu. Nguồn: Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM

Các triệu chứng mạch máu thay đổi từ đau cách hồi khi vận động cho đến đau liên tục khi nghỉ ngơi. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ đau khi đi bộ, tập thể dục, hết đau khi nghỉ. Triệu chứng nặng dần cho đến khi xuất hiện tình trạng hoại tử phần xa bàn chân.

Nhiễm trùng

Người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng và nhiễm trùng kéo dài do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển kèm theo các bệnh mạch máu và thần kinh ngoại biên gây phát hiện trễ và kéo dài tình trạng nhiễm trùng.

Chấn thương

Người bệnh đái tháo đường khi gặp chấn thương thường dễ bỏ qua do mất cảm giác ở bàn chân. Chấn thương làm nặng thêm tình trạng biến dạng bàn chân. Các vết thương dù nhỏ nhất cũng có thể nhiễm trùng, loét có thể làm tăng nguy cơ cắt cụt chi.

Một số nguyên nhân khác

  • Thói quen sinh hoạt mang giày vớ nhiều dễ gây loét, nhiễm trùng
  • Thừa cân, béo phì tăng áp lực lên bàn chân gây biến dạng, loét tì đè
  • Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng bàn chân, làm chậm hấp thu insulin.

CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

  • Mạch máu: bắt mạch mu chân, đùi yếu hoặc mất, thời gian đổ đầy mao mạch tăng, da chân lạnh
  • Thần kinh: khám thấy khuyết cảm giác rung, sờ nông sâu, đau và nhiệt độ. Giảm hoặc mất vận động gân gót, yếu cơ teo cơ
  • Cơ xương: biến dạng vòm chân cao, bàn chân bẹt, bàn chân rơi, bàn chân Charcot – Da: khô, nấm móng, móng quặp, tổn thương sừng móng.

Cận lâm sàng

  • Siêu âm Doppler động tĩnh mạch chi dưới có thể phát hiện hẹp, tác động mạch chi dưới – Có thể chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ khi cần
  • X-quang bàn chân kiểm tra đánh giá biến dạng tổn thương xương khớp, viêm xương,…

Phân loại mức độ tổn thương theo Wagner

    • Độ 0: Không có tổn thương, nhưng có các yếu tố nguy cơ
    • Độ 1: Loét trên bề mặt
    • Độ 2: Loét tới gân cơ, xương khớp
    • Độ 3: Viêm tủy xương hoặc áp-xe vùng sâu
    • Độ 4: Hoại tử khu trú ngón chân, phần xa bàn chân, gót chân – Độ 5: Hoại tử rộng.
Picture16
Hình 20.4. Mô tả mức độ tổn thương theo phân độ Wagner. Nguồn: Dr. Vijay Thakore, “Stages of
Diabetic            foot       Ulcer”, 

ĐIỀU TRỊ

Điều trị tổng quát

  • Kiểm soát đường huyết
  • Kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng
  • Đảm bảo tưới máu, tránh tình trạng thiếu máu
  • Kiểm soát nhiễm trùng
  • Điều trị các bệnh phối hợp.

Điều trị tại chỗ

  • Loét nông: loại bỏ tổn thương xơ chai để lộ loét nông
  • Nhiễm trùng bàn chân: cần được điều trị với kháng sinh đường tĩnh mạch, nằm nghỉ hạn chế đi lại
  • Hoại tử bàn chân: bảo tồn tối đa, cắt lọc triệt để hoại tử
  • Các vết loét, nhiễm trùng, hoại tử sau xử lý vết thương cần được chăm sóc kỹ, thay băng thường xuyên, có thể dùng các phương pháp hỗ trợ lành vết thương như chế phẩm giúp tăng trưởng mô, tế bào gốc,…

TỰ CHĂM SÓC BÀN CHÂN CHO NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày: tự kiểm tra từ trên xuống xem có vết thương, xây xát, phồng rộp, móng quặp, biến dạng ngón,…
  • Vệ sinh bàn chân sạch sẽ: rửa chân bằng xà phòng và nước ấm hằng ngày, cắt móng chân thường xuyên không cắt sát
  • Bảo vệ bàn chân: luôn mang giày dép bao kín ngón và gót chân để tránh va chạm, mang vớ giữ ẩm, tránh mang giày dép quá chật
  • Cẩn thận với nhiệt độ: tránh để chân quá lạnh hoặc quá nóng, không sưởi ấm bằng lò than, không dùng chân thử nhiệt độ nước, không ngâm chân xông hơi
  • Giữ mạch máu lưu thông: kê cao chân khi có thể, không ngồi xổm, bắt chéo chân lâu, không mang vớ quá chật, tập vận động hàng ngày.
  •  

Tài liệu tham khảo

  1. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đà Nẵng (2022). “Cập nhật điều trị đái tháo đường và chăm sóc bàn chân, tiếp cận lâm sàng năm 2022 trong kỷ nguyên mới”.
  2. Bansal V, Kalita J, Misra UK (2006). Diabetic neuropathy.
  3. Raspovic KM, Wukich DK (2014). Self-reported quality of life and diabetic foot infections, Raspovic KM, Wukich DK.
  4. De Oliveira AL, Moore Z (2015). Treatment of the diabetic foot by offloading: a systematic review.
  5. Kaplan ST, Hemsinli D, Kaplan S, Arslan A (2017). Amputation predictors in diabetic foot ulcers treated with hyperbaric oxygen.
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận