Loét áp lực

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn
Loét áp Lực

MỞ ĐẦU

Loét áp lực là dạng tổn thương phá hủy da, mô dưới da tại vùng tì đè. Tổn thương xuất hiện do việc tì đè gây thiếu máu nuôi, oxy, dinh dưỡng làm mô hoại tử.

Loét áp lực thường gặp ở các bệnh nhân nằm lâu tại giường, các vị trí thường gặp là cùng cụt, vùng liên mấu chuyển xương đùi, mắt cá chân, gót chân, vùng xương chẩm.

Trên thế giới, loét áp lực gây gia tăng áp lực về chăm sóc và chi phí y tế. Số lượng bệnh nhân chết do loét áp lực tăng mạnh. Theo báo cáo của WHO, ước tính có 29.000 ca tử vong vào năm 2013, so với 14.000 ca ở năm 1990.

SINH LÝ BỆNH

Có nhiều yếu tố tác động đến việc xuất hiện một vết loét, nhưng nguyên nhân chính vẫn là quá trình thiếu máu tại chỗ. Mô mềm có thể chịu một áp lực khoảng 30 – 32 mmHg trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu áp lực kéo dài hoặc lớn hơn sẽ gây tắc nghẽn các vi mạch gây thiếu máu cục bộ, làm mô chết, hoại tử gây nên loét.

Hầu hết bệnh nhân bị loét áp lực đều có bệnh lý về thần kinh và hoặc thể chất khiến bệnh nhân phải nằm bất động tại giường kéo dài. Một số yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ gây ra loét áp ực như đái tháo đường, bệnh thận mạn, COPD, tuổi trên 60, dinh dưỡng kém,…

PHÂN ĐỘ LOÉT ÁP LỰC

Hiện nay có nhiều cách phân độ cho loét áp lực. Tuy nhiên, hệ thống phân độ EPUAP được áp dụng rộng rãi nhất do tính đơn giản, dễ áp dụng. Loét áp lực được phân làm 4 độ dựa trên độ sâu của tổn thương.

+ Độ I: Loét xảy ra ở lớp thượng bì, xuất hiện các nốt thay đổi sắc tố da. Vùng da tổn thương gây đau hoặc ngứa

+ Độ II: Tổn thương mất da, tới lớp bì

+ Độ III: Tổn thương đến mô dưới da, lớp cơ và xương vẫn còn nguyên vẹn

+ Độ IV: Tổn thương đến lớp gân, cơ, xương, mô đệm. Vùng tổn thương rộng. Bệnh nhân loét áp lực độ IV có nguy cơ nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng cao.

Picture1

ĐIỀU TRỊ

Điều trị loét áp lực đòi hỏi nhiều nguồn lực. Bệnh nhân cần đánh giá toàn diện khi điều trị và có chiến lược cụ thể. Mục tiêu là thay đổi các yếu tố căn nguyên, loại bỏ nguy cơ loét tì đè, kiểm soát tốt các bệnh đi kèm.

Cần giảm thời gian, áp lực tì đè lên vùng loét nhằm cải thiện máu nuôi đến tổn thương. Dinh dưỡng rất quan trọng trong điều trị. Quá trình hồi phục vết thương đòi hỏi nhu cầu lớn về protein, ion, vitamin,…

so do 

Thay băng vết loét

Quản lý vết thương bao gồm thay băng, cắt lọc giúp loại bỏ hiệu quả mô hoại tử. Hiện nay có nhiều loại gạc, thuốc hỗ trợ hiệu quả trong quá trình thay băng vết thương loét áp lực

như: + Gạc có hydrocolloid: gạc chứa một gel đặc biệt giúp kích thích tạo tế bào mới, hạn chế lan rộng mô hoại tử ra xung quanh

+ Gạc chưa alginate: gạc làm từ rong biển, chứa nhiều natri, calci, giúp đẩy nhanh quá trình lành vết thương

+ Gạc chứa nano bạc: ứng dụng tính chất kháng khuẩn của bạc, giúp chống lại sự tăng trưởng của vi khuẩn tại vết loét

+ Các loại kem và thuốc mỡ: chứa các hoạt chất kích thích lành vết thương, kháng khuẩn.

Kháng sinh

Kháng sinh không nên chỉ định cho tất cả các loét áp lực. Kháng sinh được sử dụng trong các trường hợp loét nhiễm trùng, lan rộng, hoại tử mô nhiều. Cần lưu ý, cần cấy kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh phù hợp. Ngoài ra, kháng sinh nên được sử dụng phối hợp với biện pháp thay băng, cắt lọc loại bỏ mô hoại tử để tăng tính hiệu quả chăm sóc vết loét.

Phương pháp hút áp lực âm (VAC – vacuum assisted closure)

Phương pháp hỗ trợ có hiệu quả cao giúp tạo áp suất âm quanh vết loét, loại bỏ dịch, mô nhiễm trùng. Đồng thời gia tăng lượng máu nuôi đến vùng loét. Ngoài ra, còn giảm nhu cầu thay băng vết thương, chăm sóc điều dưỡng.

Phẫu thuật

Các vết loét sạch nhỏ được làm sạch và khâu lại các mép vết loét với nhau.

Các trường hợp loét áp lực nặng, độ III, IV hoặc thất bại với các phương pháp khác được phẫu thuật bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.

Ghép da mỏng tự thân: các vết loét không lộ mô quí, mô hạt mọc tốt được tiến hành ghép da mỏng tự thân.

Vạt tại chỗ: nhiều kỹ thuật khác nhau được mô tả và mang lại nhiều kết quả tích cực như trượt vạt da, xoay vạt, vạt Limberg.

Hinh 27.2
Hình 27.2. a: loét áp lực vùng xương chẩm; b: vết loét được cắt lọc để chuẩn bị chuyển vạt; c: che phủ bằng vạt Limberg’s; d: 2 tuần sau mổ (Nguồn: Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.)
Hinh 27.3
Hình 27.3. a: loét áp lực vùng cùng cụt; b: vết loét che phủ bằng vạt Limberg’s; c: 3 tháng sau mổ; d: 2 năm sau mổ (Nguồn: Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.)

Vạt lân cận: áp dụng trong các trường hợp vết loét lớn hoặc vùng đặc biệt, mà không thể thực hiện vạt tại chỗ. Ví dụ, loét lớn vùng cùng cụt sử dụng vạt cơ mông lớn che phủ, vạt V-Y cải tiến. Ở chi dưới, vạt “đảo giữa”, vạt xương gót trong, ngoài, vạt sural ngược,…

Loet Ap Luc 4
Hình 27.4. a: loét áp lực vùng cùng cụt; b, c: sử dụng V-Y cải tiến che phủ vết loét; d: 1 tháng sau mổ; e: hoại tử một phần vạt do bệnh nhân không được chăm sóc đầy đủ; f: bệnh nhân được chăm sóc cải thiện, vạt sau 16 năm theo dõi (Nguồn: Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.)
27 5
Hình 27.5. a: loét áp lực độ IV vùng cùng cụt; b: vết loét được che phủ bằng vạt động mạch mông trên; c: 2 năm sau mổ (Nguồn: Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.)
27.6
Hình 27.6. a: loét áp lực vùng gót chân; b: vết loét được che phủ bằng vạt “đảo giữa”, ghép da dày tự thân tại nơi cho; c: 1 tuần sau mổ; d: 3 tháng sau mổ (Nguồn: Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.)
27 6
Hình 27.7. a: loét áp lực vùng gót chân; b: vết loét được che phủ bằng vạt sural ngược, ghép da dày tự thân tại nơi cho; c: 36 tháng sau mổ (Nguồn: Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.)

Vạt tự do: được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt khi tất cả phương pháp khác thất bại.

PHÒNG TRÁNH LOÉT TÌ ĐÈ

Bệnh nhân có nguy cơ loét tì đè cần chăm sóc cẩn thận, theo dõi các vùng chịu lực hoặc đã có tổn thương da giai đoạn sớm. Giữ da bệnh nhân sạch, khô. Loại bỏ các nguyên nhân gây tổn thương da. Có thể sử dụng đệm chống loét, các thiết bị khác để giảm áp lực lên các vùng dễ tổn thương của cơ thể. Các bệnh nhân có thể di chuyển bằng cách ngồi xe lăn kéo dài cũng có nguy cơ loét áp lực cao, đặc biệt ở vùng cùng cụt, liên mấu chuyển.

Bên cạnh đó, bệnh nhân hoặc người chăm sóc cần được hướng dẫn về nguy cơ, cách chăm sóc người bệnh, vùng loét tì đè. Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân nguy cơ cao hoặc có loét tì đè. Bệnh nhân được chỉ định truyền đạm, các chất dinh dưỡng khi không thể ăn uống.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Beeckman, D., Schoonhoven, L., Fletcher, J., Furtado, K., Gunningberg, L., Heyman, H., & Defloor, T. (2007). EPUAP classification system for pressure ulcers: European reliability study. Journal of advanced nursing, 60(6), 682-691.
  2. Bhattacharya, S., & Mishra, R. K. (2015). Pressure ulcers: current understanding and newer modalities of treatment. Indian Journal of plastic surgery, 48(01), 004-016.
  3. Bliss, Mary, and Bruno Simini. “When are the seeds of postoperative pressure sores sown?: Often during surgery.” Bmj 319.7214 (1999): 863-864.
  4. Desneves KJ, Todorovic BE, Cassar A, Crowe TC. Treatment with supplementary arginine, vitamin C and zinc in patients with pressure ulcers: A randomised controlled trial. Clin Nutr. 2005;24:979–987.
  5. Gebhardt, K. (2002). Pressure ulcer prevention. Part 1. Causes of pressure ulcers. Nursing times, 98(11), 41-44.
  6. Gefen, A. (2009). Reswick and Rogers pressure-time curve for pressure ulcer risk. Part 1. Nursing Standard (through 2013), 23(45), 64.
  7. Leblebici, B., Turhan, N., Adam, M., & Akman, M. N. (2007). Clinical and epidemiologic evaluation of pressure ulcers in patients at a university hospital in Turkey. Journal of Wound Ostomy & Continence Nursing, 34(4), 407-411.
  8. Moore, Z. E., & Cowman, S. (2013). Wound cleansing for pressure ulcers. Cochrane Database of Systematic Reviews, (3).
  9. Payne, W. G., Ochs, D. E., Meltzer, D. D., Hill, D. P., Mannari, R. J., Robson, L. E., & Robson, M. C. (2001). Long-term outcome study of growth factor-treated pressure ulcers. The American journal of surgery, 181(1), 81-86
  10. Reddy, N. P., & Patel, K. (1995). A mathematical model of flow through the terminal lymphatics.

Medical engineering & physics, 17(2), 134-140.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận