Gãy xương bàn – ngón tay, Gãy xương bàn tay

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn
Gãy Xương Bàn - Ngón Tay, Gãy Xương Bàn Tay

TỔNG QUAN

Gãy xương bàn tay chiếm khoảng 35,5% các trường hợp cấp cứu hàng ngày, phần lớn là do tai nạn giao thông đường ngã hoặc bị bạo lực. Việc phân loại dựa trên vị trí và kiểu gãy. Nếu không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến biến dạng cấu trúc và dẫn đến cứng khớp. Thứ tự ưu tiên trong điều trị gãy xương bàn tay là: ngón I (đảm nhiệm 50% chức năng bàn tay), ngón II (đảm nhiệm 20% chức năng bàn tay), ngón V, ngón III, cuối cùng là ngón IV [1] [2,3].

Gãy xương bàn V là loại gãy phổ biến nhất trong số gãy xương bàn tay. Các mục tiêu chính của điều trị gãy xương bàn tay là đạt được sự liên kết có thể chấp nhận được, ổn định, kết hợp xương vững chắc và chuyển động không hạn chế. Có thể điều trị bảo tồn bằng các phương pháp nắn kín và nẹp ngón. Điều trị phẫu thuật khi có sự di lệch chồng ngắn, xoay và gập góc dưới các bình diện khác nhau. Các phương pháp phẫu thuật nắn kín cố định xương bên trong bằng kim Kirschner hoặc đinh nội tủy qua da hay mổ mở và cố định bằng nẹp vít (nén hay khóa), đôi khi có thể sử dụng bộ cố định bên ngoài [2,3].

NGUYÊN NHÂN, CƠ CHẾ CHẤN THƯƠNG

  • Nguyên nhân thường gặp nhất là tai nạn giao thông, sau đó là ngã và bị bạo lực. Vị trí tiếp xúc đầu tiên thường là cạnh của xương bàn V, chính vì thế thương tổn thường gặp nhất là gãy xương bàn V.
  • Xương gãy các thân xương bàn, gập góc ra trước do các cơ giun co kéo
  • Thân xương bàn gập góc có thể được bù trừ bằng vận động quá duỗi của khớp bàn ngón (MCP – Metacarpalphalangeal) và khớp cổ tay bàn tay (CMC – Carpometacarpal).
  • Biến dạng xoay lớn hơn 5o ngón tay tổn thương sẽ vướng ngón kề cận.
Picture6
Hình 19.1. Gãy xương bàn tay có di lệch xoay gập góc gây vướng ngón kề cận [3]

LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG

Lâm sàng

Thông thường, bệnh nhân đến khám có tổn thương gãy hở xương bàn tay hoặc tổn thương kín sưng nề, đau nhiều bàn tay kèm hạn chế vận động cầm nắm. Khi thăm khám lâm sàng có:

  • Dấu hiệu không chắc chắn: sưng, đau, bầm tím, mất cơ năng
  • Dấu hiệu chắc chắn: biến dạng, cử động bất thường, tiếng lạo xạo xương.

Cận lâm sàng

Bệnh nhân được chụp X-quang hai bình diện thẳng nghiêng để xác định vị trí, đường gãy và mức độ di lệch.

Picture7
Hình 19.2. X-quang hai bình diện thẳng nghiêng, có gãy xương bàn V [3]
Picture8
Hình 19.3. X-quang gãy xương bàn một (gãy Bennett) [3]

ĐIỀU TRỊ

Phần chỏm và phần nền của xương bàn tay chủ yếu là xương xốp, thân xương bàn tay là xương cứng [4]. Mạch máu nuôi xương vùng bàn tay rất phong phú cho phép phục hồi, chữa lành xương tốt sau khi bị gãy xương. Tốc độ lành xương nhanh hơn ở phần xương xốp của nền và chỏm xương bàn tay so với gãy thân xương cứng [4]. Xương bàn tay được liên kết vào xương cổ tay ở các gốc của chúng tạo thành khớp cổ bàn tay (CMCJ – Carpometacarpal joint). Khớp cổ bàn tay của xương bàn I và II tương đối cứng và bất động hơn so với khớp cổ bàn tay của xương bàn IV và V [5]. Các xương bàn tay được ổn định bởi nhiều cấu trúc gân và dây chằng, điều này phải được lưu ý khi thực hiện cố định gãy xương bàn tay.

Phần lớn các nghiên cứu cho thấy những chỗ gãy xương nghiêng trụ hoặc nghiêng quay tổn thương mô mềm tối thiểu hoặc không tổn thương mô mềm có thể được điều trị tốt nhất bằng các phương pháp không phẫu thuật như nắn kín và bất động nẹp [4,6]. Gãy nền xương bàn là phổ biến nhất và có thể nắn kín, đối với gãy nền xương bàn V, việc nắn chỉnh kín có thể phục hồi giải phẫu tốt khi nắn chỉnh khéo léo. Đối với gãy thân xương bàn tay, cũng có thể sử dụng phương pháp nắn kín và bất động. Gãy nền xương bàn tay có thể được xử trí không cần phẫu thuật nếu mức độ tổn thương khớp dưới 20%. Bệnh nhân được bất động từ ba đến bốn tuần bằng một thanh nẹp để duy trì độ uốn của khớp bàn ngón. Nếu đường gãy không đủ vững chắc, có thể thực hiện phẫu thuật cố định bằng kim Kirschner ghim qua da [7].

Picture9
Hình 19.4. X-quang gãy xương bàn III, IV [8]
Picture10
Hình 19.5. X-quang sau mổ kết hợp xương xương bàn IV, V bằng kim Kirschner [8]

Chỉ định điều trị bảo tồn

  • Đường gãy vững, không di lệch
  • Không có biến dạng xoay
  • Gập góc và chồng ngắn trong giới hạn cho phép (xem Bảng 19.1).

Bảng 19.1. Giới hạn cho phép gập góc và chồng ngắn trong gãy xương bàn tay [3]

Phân loại

Gập góc thân (độ)

Chồng ngắn (mm)

Gập góc nền (độ)

Xương bàn I và II

10 – 20

2 – 5

10 – 15

Xương bàn IV

30

2 – 5

30 – 40

Xương bàn V

40

2 – 5

50 – 60

Picture11
Hình 19.6. Các trường hợp gãy xương đường gãy vững, di lệch ít [9]

Chỉ định phẫu thuật gãy xương bàn

  • Gãy hở, gãy xương mất đoạn
  • Gãy xương không vững (gập góc, chồng ngắn quá giới hạn chấp nhận được)
  • Gãy nhiều xương bàn
  • Gãy xương thấu khớp (> 25% bề mặt khớp) – Không liền xương khi điều trị bảo tồn.

Chỉ định phẫu thuật gãy chỏm xương bàn

  • Kết hợp xương bên trong: mức độ di lệch và tổn thương khớp không chấp nhận được hoặc được yêu cầu phẫu thuật
  • Kết hợp xương bằng cố định ngoài: gãy xương phức tạp nhiều mảnh.

Chỉ định phẫu thuật gãy thân xương bàn

  • Gãy hở
  • Gãy di lệch xoay
  • Gãy gập góc và chồng ngắn không chấp nhận được – Gãy thân nhiều xương bàn tay.
Picture12
Hình 19.7. X-quang gãy nhiều thân xương bàn tay [10]

Chỉ định phẫu thuật gãy nền xương bàn

  • Gãy hở
  • Gãy di lệch xoay
  • Gãy gập góc và chồng ngắn không chấp nhận được – Gãy thấu khớp.

BIẾN CHỨNG

Biến chứng sau điều trị cố định xương bàn tay chủ yếu liên quan đến loại chấn thương và kỹ thuật phẫu thuật được chọn để cố định.

Biến chứng chung bao gồm không liền xương, can xương lệch, tổn thương mô mềm dẫn đến bệnh lý khớp (co cứng hoặc biến dạng duỗi), đứt gân và ngắn xương [4].

Đối với gãy nền và chỏm xương bàn, dễ gây nên hạn chế vận động khớp liên đốt bàn. Tất cả những biến chứng này cuối cùng dẫn đến cứng khớp.

  •  

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thúc Bội Châu (2015) Gãy xương và trật khớp vùng bàn tay, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
  2. Fatima A, Ahmed O, Ahmed M, et al. (8 Sep, 2021), Metacarpal Fractures Management Techniques and Outcomes in Our Center. Cureus 13(9): e17828. doi:10.7759/cureus.17828
  3. Metacarpal Fractures, Orthobullets 2021 textbook, page 2827 – 2831
  4. Kollitz KM, Hammert WC, Vedder NB, Huang JI (2014): Metacarpal fractures: treatment and complications . Hand (N Y). 9:16-23. 10.1007/s11552-013-9562-1
  5. Chin SH, Vedder NB (2008). MOC-PSSM CME article: metacarpal fractures. Plast Reconstr Surg. 121:1-13.10.1097/01.prs.0000294704.48126.8c
  6. Carreño A, Ansari MT, Malhotra R (2020). Management of metacarpal fractures . J Clin Orthop Trauma. 11:554-61. 10.1016/j.jcot.2020.05.043
  7. Day CS, Stern PJ: Fractures of the metacarpals and phalanges (2015). Green’s Operative Hand Surgery. Wolfe SW (ed): Elsevier, Philadelphia. 1.0:231-248. 10.1016/B978-1-4160-5279-1.00008-3
  8. Carlos H F, Rodrigo G S (2021) Fracture after Prior Kirschner’s Wire Fixation. (accessed on 2 Dec), https://musculoskeletalkey.com/fracture-after-prior-kirschners-wire-fixation.
  9. Knipe, H (2022). Spiral fractures of the 4th and 5th metacarpals. Case study, Radiopaedia.org. (accessed on 12 Sep) https://doi.org/10.53347/rID-46658
  10. Er, A (2022) Multiple metacarpal fractures. Case study, Radiopaedia.org. (accessed on 12 Sep) https://doi.org/10.53347/rID-95801
  11.  
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận