Bó bột

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn
Bó Bột

1. ĐẠI CƯƠNG

Bó bột là phương pháp cố định xương, sử dụng vật liệu rắn quấn quanh khu vực tổn thương. Phương pháp này giúp giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, giảm sưng đau. Đồng thời thúc đẩy quá trình liền xương và giúp xương lành lại đúng cách.

Thông thường, bó bột được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy xương, nứt xương nhẹ hoặc dùng sau phẫu thuật gãy xương hở. Trong nhiều trường hợp khác, phương pháp này được áp dụng để bất động tạm thời xương gãy trong khi chờ phẫu thuật hoặc sau các phẫu thuật chỉnh hình.

2. CÁC LOẠI BỘT

2.1 Bột thạch cao

Bột thạch cao có được khi nung và nghiền khoáng thạch cao (CaSO4.2H2O). Khi trộn với nước sẽ được vữa thạch cao và có thể tạo hình theo ý muốn. Bột thạch cao thủy phân sinh nhiệt có thể gây bỏng nếu bệnh nhận có da nhạy cảm. Là loại bột đầu tiên được sử dụng để cố định xương, có một số nhược điểm như lâu khô, nặng, dễ gây kích ứng, gây mùi khó chịu và mềm bột khi tiếp xúc với nước.

2.2 Bột thủy tinh

Là loại bột mới có nhiều ưu điểm hơn so với bột thạch cao thông thường. Khô nhanh, sinh nhiệt trong 5 phút khi tiếp xúc với nước. Nhẹ hơn 5 lần, cứng hơn 20 lần so với thạch cao, không thấm nước, vệ sinh khi tháo bột, không hạn chế khi chụp X-quang, gây kích ứng.

2.3 Các loại bột khác

Có các loại bột ít phổ biến như bột cotton, bột nhựa,…

3. CHỈ ĐỊNH

Hầu hết các trường hợp gãy xương có thể bó bột:

  • Các trường hợp gãy xương kín không hoặc ít di lệch
  • Gãy xương hở
  • Gãy xương ở trẻ em
  • Bất động tạm thời trước mổ
  • Bất động sau mổ gãy xương
  • Bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật
  • Bó bột sau các phẫu thuật khâu nối gân, chuyển gân, sau phẫu thuật chỉnh hình trục chi.

4. NGUYÊN TẮC NẮN CHỈNH

4.1 Nắn chỉnh sớm

Bệnh nhân bị gãy xương cần được nắn chỉnh càng sớm càng tốt, trước khi các cơ co kéo nhiều và sưng nề lớn. Không nắn chỉnh cho những trường hợp gãy xương trên 2 tuần. Vì lúc này ổ gãy đã hình thành can non, không mang đến hiệu quả khả quan khi nắn.

4.2 Vô cảm tốt

Có thể gây tê tại ô gãy, tê vùng, tê đám rối, gây mê với trẻ em. Bệnh nhân không đau, không gây co cứng cơ, không kích thích, giúp thuận lợi cho nắn chỉnh, tránh biến chứng.

4.3 Tư thế nắn chỉnh

Nắn chỉnh ở tư thế trùng cơ ở các khớp gần ổ gãy giúp hạn chế di lệch và tổn thương thứ phát:

  • Chi trên: cánh tay giang 60 – 70o, đưa ra phía trước 35o, xoay trong 45o, khớp khuỷu gấp ở vị trí 110o, cẳng tay nửa sấp ngửa, bàn tay gấp 10 – 15o
  • Chi dưới: đùi gấp về phía bụng 40o, khớp gối gấp 40o, khớp cổ chân ở vị trí 100o, bàn chân gấp 10o.

4.4 Nắn chỉnh đầu ngoại vi theo trung tâm

Kéo theo trục xương, trục chi, cố định phía gốc chi để sửa chữa di lệch chồng và một phần các di lệch khác. Khi đã hết di lệch chồng thì dùng tay để nắn sửa hết các di lệch sang bên, xoay, gập góc và kiểm tra bằng C-arms hoặc đo các mốc, chiều dài chi.

4.5 Cố định ngay sau nắn chỉnh

– Cố định vững chắc hai đầu xương gãy – Cố định qua hai khớp.

5. NGUYÊN TẮC BÓ BỘT

5.1 Chắc chắn

  • Đủ dày: thường chi dưới cần 8 – 12 lớp, chi trên cần 6 – 8 lớp (đối với bột thạch cao)
  • Đủ dài: bó trên 1 khớp, dưới 1 khớp để đảm bảo cơ khu vực gãy không co kéo
  • Đủ chặt: ôm sát chi thể nhưng không quá chặt.

5.2 Đúng tư thế

6. CÁC HÌNH THỨC BÓ BỘT

6.1 Nẹp bột

Nẹp bột nông: độ dài tùy ý, 5 – 7 lớp, ½ chu vi chi thể – Nẹp bột sâu: cố định 2/3 chi thể.

Chỉ định:

  • Vết thương, chấn thương phần mềm
  • Gãy không di lệch, gãy cành tươi – Trật khớp.

Ưu điểm: không gây chèn ép phần mềm.

Nhược điểm: dễ lỏng bột, di lệch thứ phát.

6.2 Bột ống

  • Là bột tròn ôm kín chi thể
  • Chỉ định: nắn chỉnh xương gãy
  • Ưu điểm: cố định vững chắc
  • Nhược điểm: có thể gây chèn ép bột, cản trở tuần hoàn.

6.3 Bột rạch dọc

  • Là bột ống nhưng có rạch dọc theo trục chi toàn bộ các lớp
  • Chỉ định: gãy xương có sưng nề lớn nguy cơ chèn ép bột
  • Ưu điểm: tránh chèn ép bột
  • Nhược điểm: cố định không chắc chắn, di lệch thứ phát.

6.4 Bột mở cửa sổ

– Chỉ định:

+ Gãy kín có vết thương phần mềm

+ Gãy hở

+ Sau phẫu thuật cần theo dõi vết thương.

  • Ưu điểm: tiện chăm sóc vết thương – Nhược điểm: yếu, dễ gãy.

6.5 Bột Tây Ban Nha

Bột vòng kín vết thương không có đệm cho các bệnh nhân không có điều kiện thay băng hàng ngày.

7. CHUẨN BỊ VÀ THEO DÕI BỆNH NHÂN BÓ BỘT

– Chuẩn bị trước bó bột:

+ Chuẩn bị phòng bó bột, đầy đủ dụng cụ bó bột, thuốc tê

+ Chuẩn bị bệnh nhân: giải thích, làm sạch vùng bó, đặt tư thế thích hợp.

– Điều kiện bó bột:

+ Ổn định ổ gãy trước khi bó

+ Chuẩn bị gòn lót

+ Nước đầy đủ

+ Kiểm tra các lớp bột không dính vào nhau

+ Giữ cố định khớp khi bó

+ Cần 3 điểm chịu lực.

– Theo dõi sau bó bột:

+ Đặt bệnh nhân tại tư thế đúng nhất khi bột chưa khô

+ Cắt những phần bột thừa không cần thiết

+ Không xoay trở bệnh nhân tránh biến dạng bột

+ Rạch dọc bột nếu có nguy cơ phù nề

+ Chụp lại X-quang sau bó

+ Kiểm tra tuần hoàn chi trong 24 giờ sau bó.

8. BIẾN CHỨNG

Thường xảy ra với bệnh nhân bó bột chi dưới.

8.1 Biến chứng toàn thân

  • Viêm phổi:

+ Do nằm lâu

+ Đề phòng: cho bệnh nhân ngồi dậy, vỗ lưng, vật lý trị liệu hô hấp.

  • Loét tì đè:

+ Thường ở vai, cùng cụt, ụ ngồi do thiếu máu nuôi khi đè ép trong thời gian dài

+ Đề phòng: thay đổi tư thế thường xuyên, nằm đệm nước.

  • Viêm đường niệu
  • Táo bón
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu:

+ Do bất động chi dưới kéo dài

+ Đề phòng: kê cao chân, tập co cơ, dự phòng bằng thuốc chống đông.

8.2 Biến chứng tại chỗ

  • Dị ứng bột:

+ Bệnh nhân bị ngứa, nổi mẩn, bóng nước

+ Đề phòng: độn lót bông gòn, vật liệu mềm

+ Xử trí: đổi vật liệu bó khác nếu mới bó, dùng thuốc chống dị ứng.

  • Chèn ép bột:

+ Chèn ép cục bộ: do bó không đều tay hoặc do đè ép chỗ lồi xương, xử trí bằng cách nới lỏng bột, không hiệu quả thì bó lại

+ Chèn ép toàn bộ: xảy ra trong 12 – 24 giờ sau bó do bó quá chặt hoặc tình trạng phù nề gây nên. Bệnh nhân có triệu chứng đau tăng dần, cảm giác chật bột do phù nề, tê và ngứa chi, phù nề phần xa của bột, nếu nặng có thể mất vận động chi thể. Xử trí bằng cách tháo rộng bột, nâng cao chi thể giảm phù nề.

9. PHỤC HỒI VẬN ĐỘNG

Bệnh nhân sau bó bột thường bị cứng khớp, nếu bó kéo dài có thể gây teo cơ, vì thế cần vận động để phục hồi sau khi bệnh nhân bó bột cũng như sau khi được tháo bột.

  • Cử động khớp: tập vận động các khớp ngoài bột, 10 – 15 phút ngày 4 – 6 lần, có thể từ ngày thứ 3 sau bó bột
  • Tập duy trì sức cơ: tập căng cơ trong bột, co cơ ngoài bột
  • Tập đi: dùng nạng đi lại đối với các bệnh nhân bó bột chi dưới. Đi bằng hai nạng, chống bằng hai bàn tay, không tì lên nách, vai ngang bằng, không được chống bằng chân bệnh. Sau khi xương liền vững có thể bỏ nạng tập đi như bình thường
  • Tập các sinh hoạt thông thường: tập các vận động lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống, tập vận động bàn tay, cầm bút,… đối với bệnh nhân gãy xương tay.
  •  
    •  

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Quang Trí (2018). Phác đồ điều trị của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
  2. Stephen R. Thompson (2011). Handbook of splinting and casting.
  3. Klaus Dresing, Peter Trafton (2014). Casts, Splints, and Support Bandages: Nonoperative Treatment and Perioperative Protection, AO Trauma.
3.7 3 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận