Tiếp cận chẩn đoán đau hệ vận động

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn
Tiếp Cận Chẩn đoán đau Hệ Vận động

1. TỔNG QUAN

Hệ vận động ở người bao gồm các xương, sụn, cơ, gân, dây chằng và các mô mềm, được chia làm hai phần: (1) phần thụ động gồm bộ xương và hệ liên kết với xương (khớp xương), (2) phần vận động gồm có gân cơ, hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thần kinh. Xương gồm 206 chiếc dài ngắn khác nhau, hợp lại thành bộ xương nâng đỡ cơ thể, che chở các cơ quan khỏi chấn thương. Hệ cơ gồm khoảng 600 cơ tạo thành, các cơ bám vào hai đầu xương giúp cơ thể cử động. Nhờ hệ vận động mà cơ thể ta có hình dạng nhất định, thể hiện được những động tác lao động, biểu lộ được cảm xúc của mình.

Trong hệ vận động, xương được liên kết với nhau và với các sợi cơ thông qua các mô liên kết như gân và dây chằng. Xương mang lại sự ổn định trong cơ thể, trong khi đó cơ giúp xương ổn định và đóng vai trò quan trọng trong chuyển động của xương. Các xương được nối với nhau bằng các khớp và ở đầu các xương có sụn nhằm hạn chế ma sát.

2. ĐAU HỆ VẬN ĐỘNG

    • Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đau cơ xương rất đa dạng, có thể đau cấp tính hoặc mạn tính, có thể đau tại chỗ hoặc lan rộng. Nguyên nhân do chấn thương như cử động đột ngột, tại nạn ô tô xe máy, té ngã, gãy xương bong gân, trật khớp và các va đập trực tiếp vào các cơ,… cũng có thể gây ra đau cơ xương. Nguyên nhân khác bao gồm đau do tư thế căng liên tục, động tác lặp đi lặp lại, lạm dụng và bất động kéo dài. Trong các trường hợp thay đổi trong tư thế hoặc cơ thể ít hoạt động có thể gây ra những vấn đề cột sống và rút ngắn cơ, khiến các cơ khác bị căng và gây đau. Đau do căng quá mức ảnh hưởng đến 33% người lớn, thường gặp trong đau cột sống thắt lưng.

Đau cơ xương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của bệnh nhân như: tuổi, giới tính, hình thể, mức độ hoạt động và lối sống.

  • Chẩn đoán và triệu chứng

Chẩn đoán đau hệ vận động cần dựa vào:

  • Nguồn gốc đau: đau tại chỗ hay lan xuyên, đau phản chiếu (Zakharin Head) hoặc tâm lý
  • Có thể xuất hiện một vị trí đau hoặc nhiều vị trí khác nhau – Các yếu tố làm giảm hay tăng đau: thay đổi theo tư thế, vận động – Các triệu chứng khác (ví dụ: phát ban, sốt, khô mắt,…).

Triệu chứng phụ thuộc vào các cơn đau do chấn thương hoặc lạm dụng, dù đó là cấp tính hay mạn tính. Các triệu chứng này cũng có thể khác nhau tùy từng người.

Triệu chứng thường thay đổi ở các bệnh nhân, nhưng thường là:

  • Đau cục bộ hay diện rộng, thay đổi với vận động
  • Cảm giác cơ bị căng quá mức
  • Nhức hay cứng toàn bộ cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Co giật cơ
  • Cảm giác “thiêu đốt, nóng rát”.
  • Phân loại các thể đau vận động

Đau xương: thường cảm giác đau sâu, buốt, âm ỉ, thường là kết quả của chấn thương, điều quan trọng là đảm bảo rằng đau không liên quan đến gãy xương hoặc khối u. Các nguyên nhân khác bao gồm đau xương nhiễm trùng (viêm tủy xương), rối loạn nội tiết.

Túi hoạt dịch: thường đau tăng khi vận động túi hoạt dịch và giảm khi nghỉ, túi hoạt dịch bị ảnh hưởng có thể sưng lên, gây ra bởi chấn thương, lạm dụng, bệnh gout hay nhiễm trùng.

Đau cơ: ít dữ dội hơn đau xương nhưng có thể rất khó chịu, cơn đau có thể bao gồm co thắt cơ hoặc chuột rút (ví dụ: co thắt cơ bắp chân gây đau dữ dội thường được gọi là một con ngựa Charley). Đau cơ có thể gây ra bởi chấn thương, phản ứng tự miễn, giảm tưới máu cơ, nhiễm trùng hoặc khối u.

Đau gân và dây chằng: đau ít hơn đau xương, đau tăng khi các khu vực bị ảnh hưởng bị kéo căng hay di chuyển và luôn giảm khi nghỉ. Nguyên nhân phổ biến của đau gân là viêm gân, viêm bao gân, viêm lồi cầu ngoài hay trong, tổn thương. Nguyên nhân phổ biến của đau dây chằng là chấn thương (bong gân).

Đau khớp: các chấn thương và bệnh lý khớp luôn gây cứng, đau, viêm khớp. Cơn đau từ nhẹ đến nặng, tăng khi vận động khớp, các khớp có thể sưng. Đau có thể cấp tính (ví dụ: nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh gout) hoặc mạn tính (ví dụ, khi gây ra bởi viêm khớp dạng thấp hoặc viêm xương khớp). Viêm khớp là một nguyên nhân gây đau phổ biến, đau do viêm khớp hiện diện cả khi nghỉ. Các rối loạn có thể gây viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh gout và các rối loạn liên quan, tự miễn dịch và rối loạn viêm mạch (chẳng hạn như hệ thống lupus ban đỏ và viêm thành mạch dị ứng Schönlein-Henoch), hoại tử xương, chấn thương ảnh hưởng đến một phần của xương bên trong khớp.

Hội chứng đường hầm: rối loạn này gây đau do chèn ép dây thần kinh, cơn đau lan theo chi phối thần kinh và có thể cảm giác như đốt, thường đi kèm với ngứa ran, tê hoặc cả hai. Bao gồm: hội chứng ống cổ tay, hội chứng ống trụ và hội chứng ống cổ chân.

3. MỘT SỐ VỊ TRÍ ĐAU THƯỜNG GẶP

3.1. Đau vùng hông

Bên trong khớp háng luôn có một số lượng tối thiểu các chất lỏng giúp cho chỏm xương đùi xoay trong diện ổ cối. Bất cứ bệnh lý hay chấn thương gây viêm sẽ làm không gian này bị lấp đầy với chất lỏng hoặc máu, gây căng bao khớp và dẫn đến đau.

Chỏm xương đùi và ổ cối được lót bằng sụn khớp, cho phép các xương di chuyển trong khớp với ít ma sát. Bờ ổ cối được phủ bởi sụn viền, có thể bị bong hoặc rách gây đau.

Có các dải dày của mô bao quanh khớp háng, tạo thành một bao kín. Điều này giúp ổn định khớp háng, đặc biệt khi vận động.

Chuyển động của khớp háng do các cơ xung quanh và gân của chúng bám băng qua khớp háng. Các cơ còn giúp duy trì sự ổn định của khớp.

Các túi chứa dịch lớn bao quanh khớp háng cho phép các gân cơ trượt dễ hơn trên các gờ xương. Các cấu trúc này có thể viêm.

Triệu chứng: tùy theo nguyên nhân và tình trạng gây đau, bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu ở:

  • Đùi
  • Trong khớp háng
  • Bẹn, bên ngoài khớp háng – Vùng mông.

Đau tăng khi hoạt động (đặc biệt khi có viêm khớp) và giảm tầm vận động. Một số bệnh nhân đi khập khiễng nếu đau dai dẳng.

 Đôi khi đau từ các khu vực khác có thể lan xuống hông: viêm dây thần kinh tọa (đặc biệt nếu rễ L1, L2 có liên quan), các viêm dây thần kinh có thể biểu hiện như đau hông, thần kinh bì đùi ngoài (thường viêm trong thời kỳ mang thai, mặc quần áo chật hoặc đái tháo đường).

Đau do thoát vị bẹn hoặc đùi cũng có thể gây đau được cảm nhận ở hông.

Picture3
Hình 3.1. Khớp háng. Nguồn: Atlas giải phẫu người của Frank H. Netter
Picture5
Hình 3.2. Các cơ khớp háng. Nguồn: Atlas giải phẫu người của Frank H. Netter

3.2.1. Nguyên nhân

Viêm khớp: viêm nhiễm trong cơ thể có thể ảnh hưởng khớp háng. Viêm hoạt dịch khớp, hay viêm mô đệm gây chất lỏng bị rò rỉ vào khớp, dẫn đến sưng đau. Thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến gây đau hông ở người trên 50 tuổi. Các bệnh lý khác: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp liên quan đến bệnh viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng). Triệu chứng hay gặp: đau bẹn hoặc mặt trước đùi, bệnh nhân có thể cảm thấy lục khục, cứng, hay giảm vận động, thường đau ngay lập tức và không đỡ hơn khi hoạt động. Đau tiến triển sau một thời gian không hoạt động và giảm đau khi được “hâm nóng” bằng cách sử dụng. Nhưng khi hoạt động tăng lên, cơn đau trở lại.

Chấn thương: thường là nguyên nhân gây đau hông, cảm nhận ngay lập tức, gặp nhiều ở những người lớn tuổi, có bệnh lý loãng xương gây ra gãy phần trên xương đùi, ổ cối, ngành xương chậu hoặc trật khớp háng. Những trường hợp đụng dập (bầm tím), bong gân, căng giãn có thể là kết quả của chấn thương nhưng không gãy xương có thể rất đau, cần làm thêm các cận lâm sàng để chẩn đoán như X-quang, CT scan, MRI.

Viêm gân: thường gặp hội chứng dải chậu chày (hội chứng lau gương – Iliotibial band syndrome – ITBS) trong hoạt động thể thao, đi bộ, đi xe đạp, leo núi,… đau nằm ở phía ngoài của khớp gối, mức độ rất khác nhau. Đau giảm khi nghỉ ngơi, trong khi đi, khi hoạt động các môn thể thao mà cần phải thay đổi mức độ chạy. Đi bộ đều đều, liên tục, kéo dài thì xuất hiện đau ở bên ngoài của gối, đôi khi làm cho bệnh nhân phải dừng lại.

  • Hội chứng cơ hình lê (Piriformis syndrome): rối loạn thần kinh cơ do cơ hình lê chèn ép thần kinh tọa (ngồi xe hay chạy đường dài, đá), cơ hình lê giúp cố định khớp háng, nâng và xoay đùi, cho phép bước đi, nâng trong lượng cơ thể từ chân này sang chân khác, duy trì sự cân bằng. Triệu chứng thường khởi đầu với đau, ngứa ran hoặc tê ở mông, đau có thể lan xuống theo thần kinh tọa, đau khi đi bộ lên cầu thang hoặc nghiêng, tăng khi ngồi lâu và giảm tầm vận động khớp háng.
Picture6
Hình 3.3. Hội chứng cơ hình lê

 

  • FAIR test (hip flexion, adduction, internal rotation): bệnh nhân nằm bên không đau, chân đau ở vị trí háng gấp 60ᵒ, gấp gối, khép hông và xoay trong. Người khám tác động lực lên đầu gối theo hướng đi xuống, do đó làm căng cơ hình lê và tăng áp lực lên thần kinh tọa.
Picture7
Hình 3.4. FAIR test trong hội chứng cơ hình lê
  • Hội chứng cơ mông nhỡ (Gluteus medius syndrome): là tình trạng đau và viêm ở phần ngoài háng, gây ra do rách gân (căng) cơ mông nhỡ. Cơ mông nhỡ có vai trò giúp dạng đùi, ổn định háng khi đi, chạy, nhảy. Gồm hai nhóm: nhóm 1 căng nhưng không bị kéo dài gân; nhóm 2: căng và kéo dài gân hoặc rách một phần, gây giảm chức năng. Triệu chứng thường gặp: đau, thường khập khiễng, khi đi và chạy, ấn mềm mặt ngoài háng. Đau, cứng, sưng, nóng, đỏ trên ngoài đùi, tệ hơn khi di chuyển háng, thường có yếu háng và đau tăng hoặc yếu khi dạng đùi.
  • Hội chứng cơ thắt lưng chậu (Iliopsoas tendinitis and Iliopsoas syndrome): viêm gân do uốn cong háng lặp đi lặp lại hoặc sử dụng háng quá mức, hội chứng cơ thắt lưng chậu do sự co đột ngột của cơ, dẫn đến rách cơ, thường gặp ở những vận động viên chạy, nhảy và các môn thể thao đòi hỏi đá chân hoặc nâng tạ. Triệu chứng thường gặp: đau ở háng, đùi khi đi hay chạy, kèm đau lưng; gấp khớp háng yếu và đau, giảm lực, một số trường hợp có thể cứng háng. Thăm khám trường hợp này cho bệnh nhân nằm, gấp gối 10 – 20o, nâng chân có đối kháng, đau xảy ra với viêm cơ thắt lưng chậu.

Tổn thương bao khớp, sụn, sụn viền: thường do sử dụng quá mức, đau khởi đầu sau tổn thương vài phút hay vài giờ, sau đó gây ra co thắt cơ và bề mặt khớp bị viêm, gây tụ dịch. Đau thường phía trước háng, nhưng có thể bên ngoài háng hoặc vùng mông, có thể đi khập khiễng.

Viêm túi hoạt dịch: các bao hoạt dịch quanh mấu chuyển thường bị viêm do chấn thương hay sử dụng nhiều.

Các nguyên nhân khác:

  • Do thoát vị bẹn hay đùi
  • Phụ khoa hoặc từ lưng: khi lớp niêm mạc tử cung phát triển hoặc đau do tổn thương từ rễ thần kinh
  • Bệnh hồng cầu liềm: một khớp có thể sưng trong một đợt bệnh tiến triển có hoặc không nhiễm trùng tiềm ẩn. Khớp háng không phải là khớp duy nhất bị ảnh hưởng
  • Nhiễm virus hay vi khuẩn: bệnh Lyme, hội chứng Reiter và các nhiễm khuẩn do ngộ độc thực phẩm
  • Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi: có thể xảy ra ở người sử dụng corticoid kéo dài. Chỏm xương đùi bị mất nguồn cấp máu, gây hoại tử dần và đau
  • Bệnh Legg-Perthes-bê (hoặc bệnh Perthes) mô tả hoại tử vô mạch chỏm xương đùi ở trẻ em và là tự phát, có nghĩa là các nguyên nhân chưa được biết rõ. Nó thường ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi từ 4 và 8
  • Fibromyalgia: hội chứng đau toàn thân kết hợp với đau và cứng khớp.
  • Ung thư xương.

3.2.2. Kết luận

Đau hông là một than phiền không đặc hiệu đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong chăm sóc sức khỏe để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn từ những chấn thương tiềm tàng hoặc bệnh tật. Tiếp cận chẩn đoán đau hông cần một cái đầu thoáng, vì nguồn gốc chấn thương hoặc nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng. 3.3. Đau gối

3.3.1. Giải phẫu

Chức năng chính của khớp gối là gấp duỗi và di chuyển, một phần cũng xoắn và xoay. Cấu trúc gồm có:

  • Xương: lồi cầu đùi, mâm chày, bánh chè, chỏm xương mác
  • Dây chằng: có 4 dây chằng vùng khớp gối bao gồm dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng chéo sau (PCL), dây chằng bên trong (MCL), dây chằng bên ngoài (LCL)
  • Cơ và gân bánh chè là hai cấu trúc quan trọng
  • Sụn khớp và sụn chêm: tạo không gian và đệm cho khớp gối
  • Túi hoạt dịch: có bốn nhóm túi hoạt dịch quan trọng: dưới gân tứ đầu, dưới bánh chè, dưới gân bánh chè, cơ chân ngỗng (mặt trong và dưới khớp gối 3 cm).
Picture8
Hình 3.5. Dây chằng vùng khớp gối. Nguồn: Atlas giải phẫu người của Frank H. Netter

 

3.3.2. Nguyên nhân

Gãy xương: thường do các chấn thương tác động mạnh, cảm giác đau dữ dội và bệnh nhân không thể đặt lực lên gối. Chụp X-quang là biện pháp đơn giản và hiệu quả cao.

Tổn thương dây chằng:

  • Tổn thương ACL là tổn thương hay gặp nhất, thường gặp trong chấn thương thể thao
  • PCL khỏe hơn ACL và ít khi bị rách, hay gặp trong chấn thương do tai nạn giao thông, thường kèm theo tổn thương dây chằng khác và gãy xương
  • MCL thường bị tổn thương nặng nhất và LCL hiếm khi bị tổn thương
  • Khi dây chằng bị tổn thương, bệnh nhân có thể nghe tiếng “phựt”, đau cảm giác rách hoặc xẻ dọc, mất ổn định gối. Khám: các test ngăn kéo, dạng khép, Lachmann,… chụp MRI khớp gối hoặc nội soi để chẩn đoán.

Tổn thương sụn chêm: có thể do chấn thương hoặc những vận động quá mức vùng gối, gối có thể bị khóa ở tư thế hoặc nghe tiếng “lục cục” khi vận động và ít khi bị sưng. Khám: test Apply, Mc Murray,… chụp MRI khớp gối hoặc nội soi để chẩn đoán.

Trật khớp gối: đây là một chấn thương hiếm gặp và là trường hợp cấp cứu. Trật khớp gối có thể kèm theo tổn thương động mạch, thần kinh, gối sẽ biến dạng rõ và nếu trật không hoàn toàn có thể có tiếng “lục cục”. Cần chụp X-quang, MRI để chẩn đoán và siêu âm Doppler mạch máu khảo sát xem có tổn thương mạch máu đi kèm hay không.

Trật bánh chè: thường do chấn thương trực tiếp hoặc duỗi mạnh, phổ biến gặp ở phụ nữ người béo phì, chân chữ O và người có xương bánh chè nằm cao. Bánh chè có thể trật sang hai bên, khó khăn khi gập, duỗi gối. Chụp X-quang ở tư thế mặt trời mọc, chụp MRI để phát hiện trật bánh chè và các tổn thương đi kèm.

Viêm khớp:

  • Viêm xương khớp: do thoái hóa sụn đầu gối, sụn chêm bị mòn, đầu dưới xương đùi sẽ chà lên đầu trên xương chày (xương chạm xương). Triệu chứng: đau dai dẳng, tăng khi vận động đi lại, khớp gối có thể cứng khi ngồi lâu.
  • Viêm khớp dạng thấp: là bệnh toàn thân ảnh hưởng ở nhiều khớp. Triệu chứng: đau gối và cứng khớp buổi sáng, có đau các khớp khác, gối có thể ấm và sưng. Chụp X-quang và xét nghiệm máu để chẩn đoán.
  • Viêm tinh thể (gout và giả gout): do các tinh thể hình thành trong gối và các khớp: urat (gout), calcium pyrophosphate (giả gout). Triệu chứng: khởi phát nhanh, viêm rõ rệt, giảm vận động. Chụp X-quang, xét nghiệm máu hoặc kiểm tra dịch khớp để chẩn đoán.
  • Viêm túi hoạt dịch: do chấn thương, nhiễm trùng, lắng đọng tinh thể. Triệu chứng: chấn thương cấp tính với đau và sưng do viêm túi hoạt dịch. Viêm túi hoạt dịch phổ biến là viêm bao hoạt dịch trước bánh chè (thường ở người giúp việc nhà, hay trải thảm) và thứ hai là viêm túi hoạt dịch chân ngỗng (thường xảy ra ở nữ béo phì, vận động viên): đau tăng với gấp gối hoặc vào ban đêm khi ngủ.
  • Nhiễm trùng (viêm khớp nhiễm khuẩn): nhiều vi khuẩn có thể lây sang gối: lậu hoặc vi khuẩn lưu trú trên da hoặc do giảm đề kháng. Triệu chứng: nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân (sốt, ớn lạnh).
  • Các nguyên nhân khác: hội chứng bánh chè đùi và nhuyễn sụn bánh chè (Patellofemoral syndrome chondromalacia patella), bệnh Osgood-Schlatter, đầu gối của người nhảy (Jumper’s knee), viêm dải chậu chày,…

3.3.3. Cận lâm sàng

  • Chụp X-quang và CT scan cho thấy gãy xương, trật khớp, khe khớp và các thay đổi của khớp
  • Chụp MRI: khảo sát dây chằng, gân và sụn
  • Xét nghiệm dịch khớp
  • Xét nghiệm máu: nhiễm trùng, viêm khớp dạng thấp và đái tháo đường.

3.4. Đau cổ chân và bàn chân

3.4.1. Tổng quan

Khớp cổ – bàn chân là sự phối hợp các xương cẳng chân và bàn chân, đau vùng này có thể do viêm hoặc chấn thương. Có khoảng 20 cơ tham gia hoạt động cổ – bàn chân, có các cơ chính: chày trước, chày sau, mác, nhóm cơ gấp, cơ duỗi và gân khỏe nhất là gân Achilles.

3.4.2. Gải phẫu

  • Dây chằng: dài nhất là cân gan chân, dây chằng bên trong và bên ngoài giúp giữ vững cổ chân.
  • Túi hoạt dịch:

+ Cổ chân: túi hoạt dịch sau gót, dưới da gót, dưới da mắt cá trong

+ Bàn chân: túi hoạt dịch xương bàn chân, khớp bàn – ngón I, xương gót.

Picture9
Hình 3.6. Dây chằng và gân cổ chân. Nguồn: Atlas giải phẫu người của Frank H. Netter

3.4.3. Nguyên nhân

Đau gân Achilles (gân gót): có thể do viêm gân hoặt đứt gân.

Viêm gân: là một bệnh thường gặp, đặc biệt hay gặp ở các vận động viên thể thao hoặc những bệnh nhân phải đi lại nhiều. Đau thường ở vị trí thấp nhất của gân ở vị trí gân bám vào xương gót.

Đứt gân: một phần hay hoàn toàn, xảy ra khi gân bị kéo căng quá khả năng của nó. Thường thấy nhất trong các trường hợp “hội chứng chiến binh cuối tuần” (người trung niên tham gia các môn thể thao khi rảnh rỗi). Có thể do bệnh tật hoặc dùng steroid, kháng sinh khiến gân dễ rách. Khám: đánh giá phạm vi vận động và sức cơ so sánh hai bên, khó khăn khi đứng ngón chân, làm nghiệm pháp Thompson.

Tổn thương gân mác: gân mác giúp ổn định bàn chân và mắt cá, giúp tránh bong gân, thường ở người chơi thể thao có chuyển động mắt cá lặp đi lặp lại hoặc những người có chân hình vòm cao.

Gân chày sau: tình trạng làm giảm chức năng gân, gây suy yếu vòm gan chân và bàn chân phẳng. Còn gọi là “người lớn mắc bàn chân bẹt”. Nguyên nhân: sử dụng quá mức (như chạy, đi bộ, đi bộ đường dài hoặc leo cầu thang).

Tổn thương vòm xương sên: do chấn thương gây khiếm khuyết hay tổn thương sụn xương sên. Triệu chứng: đau mạn tính sâu khi nghỉ, tăng khi chịu lực lên cổ chân, cảm giác khựng hay kẹt khi đi, cảm giác sau cổ chân khóa hay bật ra, sưng khi chịu lực và giảm khi nghỉ.

Hội chứng ống cổ chân: ống cổ chân là một không gian hẹp phía trong cổ chân, trong đó có thần kinh chày sau gặp khi dây thần kinh bị chèn ép. Bệnh nhân có nguy cơ gặp cao: bàn chân phẳng, bất thường trong ống (giãn tĩnh mạch, u nang, hạch, sưng gân và viêm khớp), đái tháo đường.

Viêm gân gan chân hay gai xương gót: do mang giày cao gót, tăng cân, đi, đứng hay leo cầu thang nhiều, cung bàn chân bất thường. Triệu chứng: đau gót khi đi, đứng và cả khi nghỉ, đau xảy ra buổi sáng trước khi bước xuống giường.

Các nguyên nhân khác: viêm khớp do gout hoặc thoái hóa, bong gân, gãy xương, bệnh thần kinh đái tháo đường, hội chứng Raynaud, viêm túi hoạt dịch,…

3.4.4. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu:

+ Máu lắng (ESR), C-reactive protein (CRP), bạch cầu

+ Viêm khớp dạng thấp: yếu tố dạng thấp

+ Lupus ban đỏ hệ thống: kháng thể kháng nhân

+ Bệnh Lyme: kháng thể vi khuẩn gây bệnh

+ Gout: acid uric,…

  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm dịch khớp: tinh thể urat, vi khuẩn,…
  • X-quang: nghi ngờ gãy xương, u xương hay nhiễm trùng, hay sự biến đổi trong viêm khớp (viêm khớp dạng thấp hay viêm xương khớp)
  • MRI: nghi ngờ tổn thương dây chằng và gân hoặc tổn thương đến cấu trúc quan trọng trong khớp; nó có thể không tốt hơn so với một X-quang tiêu chuẩn trong các đánh giá của nhiều loại đau. MRI có thể phát hiện gãy xương mà không hiển thị trên X-quang
  • CT scan: cho hình ảnh tốt hơn X-quang về các vấn đề của xương
  • Chụp có tiêm thuốc cản quang: ví dụ tiêm vào khớp để khảo sát các cấu trúc như dây chằng
  • Xạ hình xương.

 

Tài liệu tham khảo

  1. El-Tallawy SN, Nalamasu R, Salem GI, LeQuang JAK, Pergolizzi JV, Christo PJ. Management of Musculoskeletal Pain: An Update with Emphasis on Chronic Musculoskeletal Pain. Pain Ther. 2021 Jun;10(1):181-209. doi: 10.1007/s40122-021-00235-2. Epub 2021 Feb 11. PMID: 33575952; PMCID: PMC8119532
  2. Arendt-Nielsen L, Fernández-de-Las-Peñas C, Graven-Nielsen T. Basic aspects of musculoskeletal pain: from acute to chronic pain. J Man Manip Ther. 2011 Nov;19(4):186-93. doi: 10.1179/10

6698111X13129729551903. PMID: 23115471; PMCID: PMC3201649

  1. Puntillo F, Giglio M, Paladini A, Perchiazzi G, Viswanath O, Urits I, Sabbà C, Varrassi G, Brienza N. Pathophysiology of musculoskeletal pain: a narrative review. Ther Adv Musculoskelet Dis.

2021 Feb 26;13:1759720X21995067. doi: 10.1177/1759720X21995067. PMID: 33737965; PMCID: PMC7934019

  1. Malik KM, Beckerly R, Imani F. Musculoskeletal Disorders a Universal Source of Pain and Disability Misunderstood and Mismanaged: A Critical Analysis Based on the U.S. Model of Care. Anesth Pain Med. 2018 Dec 15;8(6):e85532. doi: 10.5812/aapm.85532. PMID: 30775292; PMCID: PMC6348332
  2. Gerdle B, Ghafouri B, Ernberg M, Larsson B. Chronic musculoskeletal pain: review of mechanisms and biochemical biomarkers as assessed by the microdialysis technique. J Pain Res. 2014 Jun 12;7:313-26. doi: 10.2147/JPR.S59144. PMID: 24966693; PMCID: PMC4062547
  3. El-Tallawy SN, Nalamasu R, Salem GI, LeQuang JAK, Pergolizzi JV, Christo PJ. Management of Musculoskeletal Pain: An Update with Emphasis on Chronic Musculoskeletal Pain. Pain Ther. 2021 Jun;10(1):181-209. doi: 10.1007/s40122-021-00235-2. Epub 2021 Feb 11. PMID: 33575952; PMCID: PMC8119532
  4. Babatunde OO, Jordan JL, Van der Windt DA, Hill JC, Foster NE, Protheroe J. Effective treatment options for musculoskeletal pain in primary care: A systematic overview of current evidence. PLoS One. 2017 Jun 22;12(6):e0178621. doi: 10.1371/journal.pone.0178621. PMID: 28640822; PMCID: PMC5480856
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận