1. TỔNG QUAN
Y học thể thao là một lĩnh vực năng động và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đã và đang tiếp tục được mở rộng. Nó kết hợp nhiều chuyên ngành và bao gồm nhiều lĩnh vực y tế khác nhau. Các bác sĩ y học thể thao cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho nhiều nhóm bệnh nhân, bao gồm các vận động viên chuyên nghiệp, không chuyên và nhóm dân số ít hoạt động hơn với các vấn đề về cơ xương khớp gây cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Dựa trên đối tượng cần được chăm sóc, trách nhiệm của bác sĩ y học thể thao có thể bao gồm phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi các bệnh lý cơ xương khớp kể cả các bệnh nội khoa có thể cản trở việc tham gia hoạt động thể chất. Việc hình thành một nhóm y học thể thao là lý tưởng để giải quyết triệt để các vấn đề này.
Bác sĩ y học thể thao chịu trách nhiệm điều phối nhóm đa lĩnh vực và trong nhiều trường hợp, sẽ là người cung cấp dịch vụ chính cho vận động viên và sẽ là người quyết định khi nào vận động viên có thể trở lại thi đấu [1,2].
Mọi đối tượng tham gia chơi thể thao luôn có nguy cơ chấn thương. Thông thường, chấn thương thể thao có thể được chia thành các nhóm nguyên nhân sau:
- Chấn thương do thi đấu quá sức
- Chấn thương do vật tù
- Gãy xương và trật khớp
- Căng giãn phần mềm cấp tính.
Vận động viên có thể cần phải thay đổi các kỹ thuật chơi chưa đúng có khuynh hướng gây chấn thương hoặc cần nghỉ thời gian vừa đủ kết hợp với vật lý trị liệu để hồi phục sau chấn thương thể thao [1].
- ĐÁNH GIÁ SỨC KHỎE NGƯỜI CHƠI THỂ THAO
Các vận động viên thường được sàng lọc để đánh giá rủi ro trước khi tham gia thể thao. Khám sàng lọc sức khỏe trước khi tham gia thi đấu đã trở thành một yêu cầu và đại diện cho mức độ quan tâm, chăm sóc đối với các vận động viên ở nhiều quốc gia. Yêu cầu này dường như đã được thiết lập do những lo ngại về cả y tế và pháp lý liên quan đến các vận động viên có thể có nhiều nguy cơ bị thương nặng hoặc tử vong trong quá trình thi đấu.
Nội dung cụ thể của việc khám sàng lọc này đã được nhiều cơ quan chức năng trong lĩnh vực y tế thể thao khuyến nghị và xem xét rộng rãi [3,4]. Hiện nay, sàng lọc trước tham gia thi đấu được khuyến nghị bao gồm việc thu thập thông tin tiền căn, bệnh sử cụ thể và phải hoàn thành một cuộc kiểm tra thể chất gắng sức nhằm phát hiện các tình trạng y tế tiềm ẩn ở vận động viên có thể khiến họ bị thương hoặc tử vong.
Tiền căn và kết quả thăm khám lâm sàng sẽ quyết định tình trạng sức khoẻ và các cận lâm sàng cần phải thực hiện thêm.Vì chấn thương cơ xương khớp là nguyên nhân phổ biến khiến vận động viên bị truất quyền thi đấu, nên tiền sử bệnh cần cố gắng phát hiện tất cả các chấn thương mà các vận động viên đã từng gặp phải [5]. Về vị trí giải phẫu, chấn thương phổ biến nhất dẫn đến hạn chế khả năng tham gia thi đấu là chấn thương gối, sau đó là chấn thương mắt cá chân [6]. Yếu tố dự báo độc lập, mạnh nhất gây ra chấn thương thể thao là việc mắc phải chấn thương trước đó [7].
3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG, CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng lâm sàng thường cấp tính, xảy ra khi đang chơi thể thao. Chấn thương luôn gây đau, từ nhẹ đến nặng. Các dấu hiệu có thể không có hoặc biểu hiện phối hợp của phù nề phần mềm, đỏ da, nóng chi, điểm đau, bầm tím, mất vững mà mất tính di động.
Chẩn đoán bao gồm hỏi tiền sử và khám lâm sàng. Bệnh sử tập trung vào cơ chế chấn thương, hoạt động thể chất quá sức, chấn thương trước đó, thời điểm khởi phát đau, thời gian kéo dài cơ đau và hướng lan cơn đau trước và sau tập luyện. Hỏi bệnh nhân về tiền sử dùng kháng sinh nhóm quinolon vì có thể dẫn tới đứt gân. Xét nghiệm chẩn đoán (ví dụ, chụp X-quang, siêu âm, CT, MRI, điện cơ) và giới thiệu đến chuyên gia nếu cần.
4. ĐIỀU TRỊ BAN ĐẦU
4.1 Nguyên tắc PRICE
Điều trị ngay lập tức trong chấn thương thể thao bằng nguyên tắc PRICE:
- Bảo vệ (protection)
- Nghỉ ngơi (rest)
- Chườm lạnh (ice)
- Băng ép (compression)
- Nâng cao chi (elevation).
Bảo vệ bao gồm nghỉ ngơi và khi thích hợp, bất động (ví dụ: nẹp) phần bị thương để ngăn ngừa tổn thương thêm.
Nghỉ ngơi cũng ngăn ngừa tổn thương thêm và giảm sưng nề.
Chườm lạnh làm co mạch và làm giảm sưng, viêm và đau phần mềm. Đá và túi lạnh không nên được áp trực tiếp vào da. Đá được bọc bằng túi hoặc khăn. Nên chườm đá nhiều lần, mỗi lần không quá 20 phút. Băng ép đàn hồi có thể quấn quanh một túi nhựa kín chứa đá để chườm đúng chỗ [8].
Băng thun chi tổn thương để giảm nề và đau. Không cuốn băng quá chặt sẽ gây sưng, phù nề đầu chi.
Vị trí tổn thương nên được đưa cao trên mức tim để tăng tuần hoàn máu theo trọng lực, do đó, giúp giảm sưng và giảm đau. Lý tưởng là máu dẫn lưu từ toàn bộ cơ quan chấn thương đi từ cao xuống thấp về tim (ví dụ chấn thương bàn tay và khuỷu thì bàn tay phải được nâng cao). Chườm lạnh và kê cao chi tổn thương dùng liên tục trong 24 giờ đầu sau chấn thương.
4.2. Kiểm soát đau
Kiểm soát đau bao gồm việc sử dụng thuốc giảm đau, thông thường là acetaminophen hoặc NSAID. NSAID hiện khuyến cáo dùng ở bệnh nhân đau cấp tính, đối với trường hợp đau mạn tính cần phải nghiên cứu thêm.
Cần tránh NSAID chọn lọc COX-1 ở bệnh nhân suy thận hoặc có tiền sử viêm hoặc loét dạ dày, đối với thuốc chọn lọc COX-2 thì có khả năng tăng nguy cơ tim mạch trên bệnh nhân có bệnh nền sẵn. Tuy nhiên, nếu đau vẫn tiếp diễn hơn 72 giờ sau một chấn thương nhỏ, nên đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá các chấn thương khác hoặc các chấn thương nặng hơn. Những chấn thương này phải được điều trị đúng (ví dụ, bất động, đôi khi dùng corticoid đường uống hoặc tiêm).
Corticosteroid nên chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết vì thuốc có thể gây chậm liền mô mềm và đôi khi làm yếu gân, cơ. Tần suất tiêm corticosteroid nên để bác sĩ chuyên khoa quyết định vì việc tiêm quá nhiều làm tăng nguy cơ thoái hóa mô, dây chằng hoặc đứt gân [9].
4.3. Tập vận động
Nói chung, vận động viên bị chấn thương nên tránh các hoạt động gây ra chấn thương cho đến khi hồi phục. Để hạn chế teo cơ, vận động viên có thể tập luyện các bài tập khác nhau, hỗ trợ vùng chi bất động, vận động chi không đau. Giảm bài tập tầm vận động của khớp nếu như nó khiến bệnh nhân tập mà gây đau không thể chịu được. Thường tránh được bất động hoàn toàn nếu chấn thương nhẹ.
Điều quan trọng là duy trì tầm vận động vừa phải mềm mại để lưu thông máu vùng chấn thương tốt tạo điều kiện hồi phục hơn là tập nhanh để tránh giảm sút hoạt động thể thao. Sau đó sẽ tập luyện tối đa khi đỡ đau. Các vận động viên tham gia thi đấu nên tham khảo ý kiến chuyên gia (ví dụ, chuyên gia vật lý trị liệu, huấn luận viên thể thao).
Vận động viên được tập trong giáo trình tăng dần các bài tập, vật lý trị liệu để khôi phục lại tính linh hoạt, sức mạnh và độ bền. Vận động viên cũng cần có tâm lý tốt trước khi tham gia vào thi đấu. Các vận động viên tham gia thi đấu cũng nên được tham vấn về vấn đề tâm lý trước và sau khi thi đấu.