Lao Cột Sống

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn

ĐẠI CƯƠNG

Lao cột sống là một bệnh nhiễm khuẩn xương khớp và đĩa đệm đặc hiệu do trực khuẩn lao (bacilli de kock, viết tắt là B.K) gây ra, khu trú ở cột sống.

Bệnh do một thầy thuốc ngoại khoa người Anh là Percivall Pott mô tả đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX nên còn được gọi là bệnh Pott (mal de Pott). Do đó, ở phương Tây, lao cột sống còn có tên gọi là bệnh Pott.

Lao cột sống là một bệnh lao xương khớp nặng, chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh lao xương khớp. Ở Việt Nam, cùng với các bệnh lao xương khác, lao cột sống là một bệnh xã hội khá phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 60%. Bệnh thường được chẩn đoán và điều trị muộn nên có nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Lao cột sống thường xuất hiện sau lao sơ nhiễm vài năm, ở nước ta thấy sau lao phổi, màng phổi và hạch tới 70%. Vi khuẩn lao đi đến cột sống bằng đường máu.

Bệnh gặp ở người lớn từ 20 – 40 tuổi chiếm 60%, nam và nữ mắc ngang nhau, người ta thấy lao cột sống hay xuất hiện ở những người được ghép phủ tạng (thận, tim,…).

Về tổn thương: vi khuẩn lao thường gây tổn thương ở đốt sống và đĩa đệm cùng lúc, hay gặp là hai đốt sống trên dưới và một đĩa đệm ở giữa, vùng lưng và thắt lưng chiếm 90% trường hợp (từ lưng 8 đến thắt lưng 2). Tổn thương chỉ thấy ở phần trước của cột sống.

Lao cột sống là một bệnh mạn tính, khởi bệnh âm thầm với các dấu hiệu kín đáo, thường không sốt cao, khoảng 20% trường hợp sốt nhẹ, không quá 38oC.

Bệnh thường bắt đầu ở lứa tuổi thiếu nhi, khi bộ xương đang ở thời kỳ tăng trưởng. Người lớn cũng có thể bị lao cột sống, xong thường là bệnh tái phát của bệnh lao cũ mắc thời niên thiếu.

Nếu không được chữa kịp thời, lao cột sống ở trẻ em sẽ diễn biến theo chu kì ba giai đoạn (khởi đầu, toàn phát, ổn định), kéo dài 3 – 4 năm. Khi ổn định, lao cột sống có thể nằm yên 3 – 4 năm, có khi hàng chục năm, đôi khi suốt đời. Khi cơ thể suy giảm sức chống đỡ, lao cột sống có thể trở lại, dù bệnh cũ đã quá lâu. Nếu lao cột sống có biến chứng (áp-xe lạnh, rò liệt) thì dù ở giai đoạn ổn định các biến chứng vẫn có thể tồn tại một phần hoặc toàn bộ. Lao cột sống ở người lớn, hoặc nếu được chữa bằng các thuốc kháng lao đầy đủ thì tính chất chu kì sẽ rất ngắn hoặc nhiễm khuẩn lao có thể khỏi hoàn toàn, thay vì chỉ ổn định.

Lao cột sống, cũng như các bệnh lao xương khớp khác, không lây lan từ người này sang người khác như lao phổi nên bệnh nhân không cần được cách li.

MÔ BỆNH HỌC

Đặc điểm tổng quát của thương tổn là xương bị B.K phá hủy. Sự kích hoạt tạo xương mới rất nghèo nàn và xuất hiện muộn. Ở lao xương bao gồm:

Vùng mục xương mà trung tâm là tổ chức bã đậu, gồm các mô chất, bao quanh là màng gây lao có nhiều nang lao điển hình chứa trực khuẩn sống, đó là phần u lao hoạt động và lan rộng ra xung quanh. Vùng phản ứng của cơ thể bao quanh ổ lao có xương xơ chai để ngăn cách ổ lao, ngăn cản không cho lan rộng ra.

Trực khuẩn lao thương tổn chủ yếu là ở vùng thân đốt sống ở đĩa đệm (phần trước đốt sống), ít khi gây thương tổn ở cung sau đốt sống. Như vậy, thương tổn thường gặp là ở lao gồm một hoặc hai thân đốt sống và đĩa đệm kế cận; song nếu để bệnh kéo dài không chữa trị cũng có thể gặp ổ lao gồm nhiều đốt sống và đĩa đệm liên tiếp, nhất là ở thiếu nhi.

CÁC GIAI ĐOẠN BỆNH

Người ta chia sự tiến triển của bệnh thành ba giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát

1. Dấu hiệu cơ năng chủ yếu là đau

  • Đau tại chỗ: đau ở vùng cột sống bị tổn thương, cố định ở vị trí đó không thay đổi, đau tăng khi vận động, đi lại, mang vác, giảm khi nghỉ ngơi; sau tăng dần, đau liên tục cả ngày đêm, dùng các thuốc giảm đau ít kết quả.
  • Đau kiểu rễ: do tổn thương chèn ép vào một vài nhánh của rễ thần kinh, đau lan theo đường đi của các rễ và dây thần kinh, ở cổ lan xuống vai và tay, ở lưng lan theo dây thần kinh liên sườn, ở thắt lưng lan xuống mặt trước bụng hoặc dây thần kinh tọa. Đau trội lên khi ho, hắt hơi, rặn mạnh.

2. Thăm khám

  • Cột sống: thấy một đoạn cột sống cứng đờ, không dãn ra khi cúi, hạn chế các động tác của cột sống. Khối cơ hai bên cột sống có thể co cứng, gõ vào vùng gai sau của đoạn tổn thương thấy đau rõ.
  • Toàn thân: có thể thấy dấu hiệu nhiễm lao, khám các bộ phận tìm thấy một tổn thương lao phối hợp trên 50% trường hợp (lao phổi, màng phổi, hạch,…).

3. X-quang và xét nghiệm

– X-quang: rất quan trọng để giúp cho chẩn đoán:

+ Đĩa đệm hẹp so với các đoạn khác

+ Thân đốt sống bị nham nhở, mờ phần trước và mặt trên

+ Phần mềm quanh đốt sống hơi mờ đậm hơn.

Để thấy rõ tổn thương, nên chụp cắt lớp, cắt lớp vi tính (CT-scan).

– Xét nghiệm:

+ Công thức máu: lympho bào tăng

+ Máu lắng tăng 95% trường hợp

+ Phản ứng Mantoux chỉ (+) ở 90% trường hợp

+ Tìm thấy B.K hoặc tổ chức, tế bào đặc hiệu cho lao (lympho bào, tế bào bán liên, tế bào khổng lồ, chất bã đậu), bằng cách chọc kim cạnh cột sống hút ra để tiến hành xét nghiệm

+ Tìm thấy tổn thương lao phối hợp: chụp phổi, tìm B.K trong đờm, sinh thiết hạch,…

Giai đoạn toàn phát

Khi không được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu, bệnh tiến triển sau nhiều tháng, tổn thương phá hủy đốt sống và đĩa đệm nhiều, tạo thành các túi áp-xe lạnh lớn, đồng thời có biến dạng cột sống và có dấu hiệu chèn ép.

Trên 80% bệnh nhân ở nước ta được chẩn đoán trong giai đoạn này.

1. Lâm sàng

  • Đau cố định, liên tục, đêm đau nhiều, có hội chứng rễ thường xuyên, rõ rệt
  • Khám lâm sàng:

+ Lồi đốt sống ra sau: nhìn nghiêng thấy một đốt sống lồi ra phía sau, dùng ngón tay miết nhẹ dọc theo các gai sau từ dưới lên sẽ thấy rõ hiện tượng này.

+ Áp-xe lạnh: túi áp-xe có vị trí khác nhau tùy theo vị trí của tổn thương

  • Cột sống cổ: túi áp-xe đi ra phía trước ngay thành sau họng, có thể nhìn thấy khi khám họng hoặc đi xuống theo các cơ cạnh cổ tới hõm thượng đòn
  • Cột sống ngực: túi áp-xe đi ra phía sau, hình con thoi hoặc hình trái lê ở hai bên, nổi lên ngay dưới da
  • Cột sống thắt lưng: túi áp-xe nổi ngay dưới da, vùng tam giác petit hay ở hai bên thắt lưng, áp-xe ở các vùng hố chậu, nếp bẹn, mặt trong gốc đùi (vùng mấu chuyển nhỏ, nơi bám tận của cơ lưng – chậu) hoặc xa hơn nữa áp xe lao di chuyển theo động mạch đùi tạo ra túi áp xe lạnh của khoeo chân. Túi áp xe lạnh thường mềm, không đau, một số có thể vỡ ra, chảy nước vàng và bã đậu, để lại các vết loét và lỗ rò dai dẳng không liền.

Hội chứng chèn ép: là hậu quả xấu nhất của bệnh, do đốt sống và đĩa đệm bị phá hủy nhiều, di lệch, lún và có xu hướng trượt ra phía sau, chèn ép vào tủy, đuôi ngựa. Theo vị trí tổn thương, bệnh nhân có các dấu hiệu liệt tứ chi (ở cổ), liệt hai chân (cột sống lưng, thắt lưng trên), hội chứng đuôi ngựa (đoạn thắt lưng dưới). Mức độ nhẹ từ rối loạn cảm giác, yếu cơ lực đến mức độ nặng liệt cứng, có rối loạn cơ tròn (ép tủy). Ở nước ta, trên 50% khi được chẩn đoán đã có dấu hiệu chèn ép.

Dấu hiệu toàn thân: gầy sút, suy mòn nhiều, sốt, có thể loét mông do nằm lâu. Tổn thương lao lan rộng ra các bộ phận khác (phổi, hạch, màng,…).

2. X-quang và xét nghiệm

  • Đĩa đệm bị phá hủy gần như hoàn toàn
  • Thân đốt sống bị phá hủy nhiều, nhất là phần trước tạo nên hình chêm (chụp nghiêng), di lệch trượt ra phía sau
  • Hình áp-xe lạnh: trên phim thẳng thấy hình mờ quanh tổn thương (hình thoi hay hình củ hành), có thể không đồng đều, có chỗ vôi hóa đậm hơn
  • Xét nghiệm: tốc độ máu lắng tăng, chọc kim cạnh cột sống dễ tìm thấy các tổn thương lao điển hình, chọc nước não tủy để chẩn đoán dấu hiệu ép tủy và tình trạng viêm màng não tủy.

Giai đoạn cuối

Không được điều trị hoặc cơ thể quá suy yếu, bệnh nặng dần, liệt nặng, chết vì nhiễm khuẩn phụ, lao lan sang các bộ phận khác nhất là lao màng não tủy, lao màng tim, màng phổi và chết vì suy mòn

BIẾN CHỨNG

  • Ổ lao xương, ban đầu thường khu trú ở thân đốt sống, lan sang đĩa đệm kề bên, phá hủy và làm tiêu xương. Đốt sống bị yếu mà bệnh nhân vẫn ngồi, đi đứng và lao động nên dễ gãy xương, thường gập góc ra trước tạo ra biến dạng của gù lưng. Gãy xương xảy ra rất chậm, nên dù sau này biến dạng gù lưng rất nặng, vẫn ít khi chèn ép tủy sống, gây liệt. Gù nhiều sẽ làm biến dạng luôn cả lồng ngực, nhất là gây gù xương ức ở phía trước, dễ nhầm là bệnh vùng trước ngực.
  • Áp-xe lạnh có thể len vào trong ống tủy gây chèn ép trực tiếp tủy sống hoặc làm cho màng cứng, màng tủy, thậm chí tủy sống bị viêm lao (Hodgson và cs.). Do vậy, các tác giả nói trên phân chia nguyên nhân gây liệt trong lao cột sống thành hai nhóm:

+ Nguyên nhân ngoại lai: xương chết, áp-xe lạnh, trật khớp vùng đốt sống bị lao chèn ép tủy sống

+ Nguyên nhân nội tại: viêm màng cứng, màng tủy, viêm tủy sống.

Liệt tủy có khi là tạm thời, sau đó được phục hồi cũng có khi là vĩnh viễn. Bệnh nhân lao cột sống bị liệt, có khả năng bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn vùng loét cùng cụt do nằm liệt giường. Liệt có nhiễm khuẩn, cùng với rò có áp-xe lạnh mạn tính, xưa kia là nguyên nhận chính gây tử vong cao người lao cột sống do suy kiệt, thoái hóa dạng tinh bột, chiếm tỉ lệ 63,4% tổng số tử vong chung do lao xương – khớp, so với tỉ lệ 23,6% của lao khớp hàng và 5% của lao khớp gối.

Chính Pott dựa vào dấu hiệu của ba biến chứng là gù, áp-xe lạnh và liệt (tam chứng Pott) để chẩn đoán lao cột sống ở thời kì chưa có máy X-quang.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán lao cột sống

  • Chẩn đoán càng sớm càng tốt, nhất là ở giai đoạn khởi đầu khi thương tổn nhỏ thì điều trị càng thuận lợi, có nhiều khả năng khỏi bệnh, lại dễ phục hồi cơ năng vẹn toàn.
  • Chẩn đoán ở giai đoạn đầu: khó vì các dấu hiệu mơ hồ, các triệu chứng điển hình chưa xuất hiện, hình ảnh X-quang càng thấy muộn hơn. Chẩn đoán dựa vào các đặc điểm đã nêu ở trên: đau cột sống (vị trí lao xương – khớp) xuất hiện ở tuổi thiếu nhi (tuổi khởi đầu của lao xương – khớp). Phải kết hợp các dấu hiệu nghi lao như trẻ tự nhiên mất tính hiếu động thường ngày thích ngồi tại chỗ nhiều hơn; có các điệu bộ khác thường như ngồi chống hai tay lên mặt ghế (lao ở cột sống lưng hai thắt lưng) hoặc ngồi chống cằm (lao cột sống cổ) cốt để đỡ cột sống cho khỏi đau, lưng phải giữ thẳng khi ngồi xuống nhặt các vật dưới đất thay vì cúi khom lưng nhu trẻ lành mạnh. Lúc khám, ấn vào vùng đốt sống bị lao sẽ gây đau, cũng như gõ dồn từ trên đầu xuống cũng gây lao vùng bị bệnh; vùng động khớp, cơ vùng lao (cúi, ngửa,…) bị hạn chế. Trong trường hợp này phải gắng tìm ổ lao tiên phát: kiểm tra phổ và thử đờm để tìm B.K; khám bộ phận tiết niệu, sinh dục và thử nước tiểu để tìm K. Các phương pháp chẩn đoán hiện đại, như chụp cộng hưởng từ hoặc CT-scan, cũng giúp phát hiện sớm các ổ lao xương nhỏ. Nếu có điều kiện thì tốt nhất làm sinh thiết để xét nghiệm bệnh lý giải phẫu. Trong trường hợp nghi lao cột sống mà chưa có điều kiện xác minh, có thể thực hiện điều trị thử: cho bệnh nhân nằm bất động hoàn toàn và theo dõi tiến triển, nếu đúng là lao cột sống thì các dấu hiệu sẽ rõ dần, nhờ vậy vẫn điều trị được kịp thời.
  • Chẩn đoán ở giai đoạn toàn phát: các dấu hiệu toàn thân như chán ăn, sút cân, hay tỉnh giấc ban đêm, quấy khóc vì đau và ra mồ hôi trộm, cùng các dấu hiệu cổ điển như gù, áp-xe lạnh và liệt đều có thể thấy rõ. Các hình ảnh X-quang cũng tiêu biểu: hẹp hoặc mất hoàn toàn đĩa đệm, mặt thân đốt sống bị phá hủy nham nhở và có ổ mất xương của hàng lao, hình ảnh mờ của áp-xe lạnh, tương đối dễ chẩn đoán, nhưng điều trị khó vì thương tổn lao đã lớn, kèm theo các biến chứng, dù có hết các nhiễm khuẩn lao, cũng không phục hồi toàn vẹn. Ở giai đoạn ổn định, ổ lao ngừng tiến triển nên bệnh nhân hết đau dần, có thể ngồi, đi đứng không đau (nếu không bị liệt) toàn trạng cũng khá lên: ăn ngủ được lên cân trở lại. Thời gian giai đoạn ổn định có thể dài lâu, có khi suốt đời. Cũng có khi lao cột sống trở lại, hay cơ thể bị suy sụp. Trường hợp kém thuận lợi, các biến chứng vẫn tồn tại ở giai đoạn ổn định. Chẩn đoán phân biệt: có không ít bệnh ở cột sống dễ nhầm với lao cột sống. Trước hết cần chẩn đoán phân biệt với một bệnh nhiễm khuẩn khác, bệnh viêm đốt sống – đĩa đệm không đặc hiệu, cũng khá phổ biến ở thiếu nhi. Ngược lại với lao cột sống là một bệnh mạn tính, khởi đầu âm thầm, bệnh viêm đốt sống – đĩa đệm không đặc hiệu là một nhiễm khuẩn cấp tính, khởi đầu đột ngột, khá rầm rộ, có sốt cao, toàn trạng suy sụp nhanh chóng, bạch cầu tăng cao. Một bệnh cột sống mạn tính khác ở trẻ em là bệnh diệt đốt sống (vertebra plala), một thể hoại tử vô trùng (không phải do nhiễm khuẩn) có các dấu hiệu đau cột sống và vận động bị hạn chế, tiến triển mạn tính, âm thầm, rất dễ nhầm với lao cột sống. Song có hình ảnh X-quang điển hình: đốt sống bị dẹt đều như xương đặc, cản quang mạnh hơn các đốt sống lành mạnh khác (trái ngược hình ảnh loãng và mất xương của lao xương), bờ thân đốt sống vẫn đều đặn, khi đĩa đệm hoàn toàn bình thường. Các bệnh khác như bệnh gù thiếu niên (bệnh Scheuermann) thường gặp ở trẻ lứa tuổi dậy thì hoặc bị chấn thương gãy lún đốt sống (hiếm gặp ở trẻ em) đều không phải là bệnh nhiễm khuẩn nên các xét nghiệm máu đều bình thường.

Chẩn đoán phân biệt

Cần chú ý phân biệt với các bệnh gây tổn thương đốt sống:

  • Với viêm đốt sống do vi khuẩn mủ (tụ cầu,…), dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng, điều kiện phát bệnh (viêm cơ, mụn nhọt), trên X-quang không có hình áp-xe lạnh.
  • Với các tổn thương u: ung thư, di căn, u máu,… dựa vào các dấu hiệu toàn thân, X-quang không có hình áp-xe lạnh. Nếu nghi ngờ, tiến hành chọc hút để xác định chẩn đoán.
  • Phần lớn chẩn đoán nhầm ở các tuyến trước với đau thần kinh liên sườn, thấp khớp, đau thận, thoái hóa cột sống,…

ĐIỀU TRỊ

  • Điều trị lao cột sống nhằm hai mục đích:

+ Chữa khỏi nhiễm khuẩn lao

+ Giữ cho xương yếu do B.K đục ruỗng phá hủy đừng bị phá hủy thêm do đi đứng hay lao động, tạo điều kiện xương phục hồi tốt đạt độ chịu lực bình thường để có thể hoạt động.

  • Sử dụng kết hợp các biện pháp: dùng các thuốc kháng lao, tăng cường sức chống đỡ của cơ thể; bất động tốt, phẫu thuật.

Ngày nay các thuốc kháng lao đặc hiệu đã giúp chữa khỏi hẳn đa số các trường hợp lao nói chung và lao cột sống nói riêng mà ở thời kỳ trước đó chỉ là có khả năng điều trị ổn định tạm thời. Dùng thuốc kháng lao cũng là điều kiện bắt buộc để thực hiện an toàn phẫu thuật, nhất là các phẫu thuật trực tiếp ổ lao để lấy bỏ các mô chết và mô xơ trước kia bị cấm vì dễ làm cho lao lan rộng và thường gây tử vong cao. Tuy vậy, các thuốc kháng lao không diệt hết trực khuẩn lao, chỉ đảm bảo chữa khỏi 90% các trường hợp lao xương. Để tránh trực khuẩn lao nhờn thuốc trong điều trị cần dùng phối hợp 2 – 3 loại thuốc kháng lao (về liều lượng xem Bệnh lao, Bách khoa thư bệnh học, tập 1). Dùng thuốc sớm, ngay ở giai đoạn khởi đầu thì hiệu quả và tỉ lệ khỏi bệnh cao. Ổ lao lúc này còn nhỏ, chưa hình thành mô xơ bao quanh, dùng thuốc 6 – 12 tuần lễ là đủ (Anderson, L.D). Ở giai đoạn toàn phát mới dùng thuốc thì phải dài hơn, 12 tháng hoặc lâu hơn nữa. Sau từng đợt 6 – 8 tuần lễ, phải kiểm tra kết quả lâm sàng và phim lâm sàng: nếu chưa ổn định phải tiếp tục dùng thuốc. Chỉ khi nào hết hoàn toàn các dấu hiệu bệnh lý tại vùng lao, toàn trạng trở lại bình thường, chụp X-quang hết dấu hiệu loãng xương, các hàng lao đều đầy đặn trở lại,các xương lao dính chắc vào nhau, các xét nghiệm (tốc độ lắng máu) trở lại bình thường.

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Lao cột sống là một bệnh mạn tính kéo dài làm suy kiệt cơ thể; nếu bị rò áp-xe lạnh kéo dài hoặc bị liệt không phục hồi, tình tạng suy kiệt càng thêm trầm trọng. Với thể trạng ấy, thuốc kháng lao sẽ khó chống nhiễm khuẩn lao có hiệu quả. Phẫu thuật lại càng nguy hiểm hơn. Trong thời đại có thuốc kháng lao, việc nuôi dưỡng bệnh nhân ăn uống đầy đủ, dồi dào đạm và sinh tố, chăm sóc giữ gìn vệ sinh cơ thể, tĩnh dưỡng tại nơi không khí thoáng đãng, trong lành để tăng cường sức chống đỡ của cơ thể vẫn là biện pháp cơ bản góp phần làm khỏi lao cột sống. Trên các bệnh nhân lao cột sống, campos nhận thấy bệnh nhân đầy đủ protein cơ thể, nghĩa là tỉ lệ lympho bào/bạch cầu đơn nhân có trị số ≥ 5 thì tiên lượng tốt kết quả khỏi bệnh cao hơn nhóm bệnh thiếu protid có tỉ lệ nói trên < 5.

Các phẫu thuật điều trị lao cột sống gồm hai nhóm: phẫu thuật trực tiếp vào ổ lao để lấy bỏ mô chết, mủ và vi khuẩn; các phẫu thuật điều trị các di chứng tạo hình. Về phẫu thuật trực tiếp vào ổ lao để điều trị nhiễm khuẩn lao, ý kiến các tác giả rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Một số cho rằng phẫu thuật hoàn toàn không cần thiết vì các thuốc kháng lao có khả năng chữa khỏi lao (Smith T. T. 1988; Dec Prez K. M, 1988; Ryckewaert A, 1988). Hội thảo của Hội Chỉnh hình pháp SOSCOT năm 1974 cũng kết luận: phẫu thuật chẳng những không tạo thêm thuận lợi làm khỏi bệnh mà cũng chẳng đẩy nhanh hơn quá trình lành bệnh. Các tác giả khác cho rằng phẫu thuật đưa đến kết quả chữa bệnh tốt hơn, nên chủ trương mổ tất cả các trường hợp lao cột sống sớm, ngay khi được phát hiện (Hodgson A.R). Trong thực tế, phẫu thuật có vị trí nhất định trong phác đồ điều trị lao cột sống. Nếu bệnh được điều trị sớm, trong giai đoạn khởi đầu, các thuốc kháng lao cùng các biện pháp xử lý bảo tồn hoàn toàn có thể chữa khỏi nhiễm khuẩn thì phẫu thuật trực tiếp ổ lao lại là liệu pháp chỉ định khi điều trị bảo tồn không đem lại kết quả. Các phẫu thuật khác cũng cần thiết để giải quyết các biến chứng của lao cột sống. Điều không được quên là chỉ khi có dùng thuốc kháng lao thì phẫu thuật mới có hiệu quả và an toàn. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do chưa có đủ thuốc kháng lao nên thường áp dụng phác đồ điều trị cổ điển lao cột sống bằng tăng cường sức đề kháng của cơ thể kết hợp với bất động lâu dài suốt 3 giai đoạn của chu kỳ bệnh. Khi bị lao cột sống, các cột sống bị B.K. phá hủy vốn yếu nên không đủ sức chịu lực tì đè khi gối, đi, đứng. Do đó, bệnh nhân thấy đau khi vận động. Nếu tiếp tục vận động, đốt sống sẽ bị phá hủy lún xẹp thêm: các đốt sống lao bị hai lần thương tổn, do lao và lao động bệnh sẽ trầm trọng thêm. Cột sống bị đau, gây co thắt mạch máu tại vùng lao, lưu thông máu kém gây tình trạng thiếu oxy máu ở vùng lao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy peroxit (Perosido Radica CO) giúp cho bạch cầu cơ thể có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Như vậy, các cơn đau tại vùng lao làm giảm sức chống đỡ cơ thể đối với B.K. Tóm lại, bất động trong điều trị lao cột sống vừa là biện pháp tăng cường sức đề kháng cơ thể, vừa bảo vệ vùng lao xương khỏi bị phá hủy trầm trọng thêm. Thời gian bất động phải dài không những để hết nhiễm khuẩn lao mà phải tiếp tục cho đến khi xương phục hồi vững chắc, chịu được các hoạt động ngày mà không đau. Mức độ bất động có thể thay đổi tùy theo tình trạng: bất động tuyệt đối bằng nằm nghỉ hoàn toàn, có hoặc không có giường bột ở giai đoạn xương bị phá hủy, nạn nhân đang đau nhiều; bất động bằng áo bột hay áo chỉnh hình để bệnh nhân có thể ngồi và đi lại ở giai đoạn bệnh ổn định. Chỉ khi nào có đầy đủ các dấu hiệu hoàn toàn (về lâm sàng và cận lâm sàng) và nhất là hoàn toàn không đau khi hoạt động mới thôi bất động.

Kết quả điều trị chỉ thật sự đạt hiệu quả cao không nhất thiết nhờ vào việc áp dụng đầy đủ mọi biện pháp kể trên, dù rằng rất cần thiết. Điều quan trọng nhất là điều trị sớm lao cột sống; do đó, việc chẩn đoán sớm lao cột sống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cả trong hoàn cảnh chỉ có thể điều trị theo phác đồ cổ điển vì không đủ thuốc kháng lao, thì điều trị sớm ở giai đoạn khởi đầu cũng có nhiều hi vọng: bệnh viện chuyên khoa ở Việt Nam đều có thể làm mọi phẫu thuật điều trị lao cột sống, song kết quả chưa cao vì tỉ lệ bệnh nhân được mổ còn ít; hơn nữa, nhiều trường hợp bệnh được phát hiện quá muộn nên dù phẫu thuật có kết quả cũng khó phục hồi toàn vẹn.

KẾT LUẬN

Lao cột sống là một bệnh lao thứ phát, nên hoàn toàn có khả năng ngăn chặn nếu chúng ta thực hiện tốt phong trào ngừa bệnh lao tiên phát bằng nâng cao mức sống của người dân và thực hiện tốt việc tiêm phòng lao cho trẻ em. Trong các đợt khám sức khỏe định kì hoặc riêng lẻ, nhất là đối với trẻ em, người thầy thuốc cần có ý thức phát hiện sớm lao cột sống và chú ý đảm bảo đầy đủ thuốc kháng lao cho bệnh nhân để thanh toán dần loại bệnh nguy hiểm này.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Ngọc Ân (2002). Lao cột sống – Bệnh thấp khớp. Tập 2: 141-145. NXB Y học.
  2. Nguyễn Quang Long (2005). Bộ môn Chấn thương Chỉnh hình – Phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Bài giảng bệnh học chấn thương chỉnh hình – phục hồi chức năng – NXB Y học.
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận