ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa gãy xương
Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương do nguyên nhân cơ học. Tổn thương lên cấu trúc của xương (màng xương, xương và ống tủy) và các mô bao quanh xương như gân cơ, mạch máu, thần kinh.
Phân loại gãy xương
- Gãy kín: gãy xương không có vết thương ngoài da hoặc có vết thương nhưng không thông vào ổ gãy (ổ máu tụ).
- Gãy hở: gãy xương có vết thương ngoài da và vết thương này thông vào ổ gãy.
Dấu hiệu lâm sàng
- Các dấu hiệu chắc chắn:
- Biến dạng chi
- Cử động bất thường
- Tiếng lạo xạo.
Sau một chấn thương nếu thấy một hoặc nhiều trong các dấu hiệu kể trên có thể nói chắc chắn có gãy xương.
- Các dấu hiệu không chắc chắn:
- Đau
- Sưng, bầm tím
- Mất cơ năng.
Các trường hợp gãy xương đều có các dấu hiệu kể trên. Song các chấn thương khác (như trật khớp, bong gân,…) cũng có các dấu hiệu này, nên khó khẳng định có chắc là gãy xương hay không.
Dấu hiệu hình ảnh học
- Chụp X-quang quy ước thông thường đối với mọi gãy xương: tối thiểu hai bình diện (mặt và bên), chụp lấy đủ hai khớp của một thân xương dài, các tư thế khác nếu cần
- Chụp X-quang cắt lớp (CT-scan) đối với các gãy xương phức tạp
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) ít dùng. Đặc biệt khi cần xem chi tiết các tổn thương: mặt khớp, sụn chêm, mô mềm như cơ và dây chằng.
Biến chứng
- Biến chứng sớm:
- Choáng (sốc) chấn thương
- Tắc mạch máu do mỡ
- Chèn ép khoang
- Tổn thương mạch máu chính
- Tổn thương thần kinh chính
- Gãy hở nhiễm trùng.
- Biến chứng muộn:
- Rối loạn dinh dưỡng
- Viêm xương
- Biến chứng sự liền xương:
- Can lệch
- Khớp giả và chậm liền xương.
MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC BẤT ĐỘNG GÃY XƯƠNG
Mục đích
- Giảm đau, phòng ngừa sốc chấn thương
- Giảm nguy cơ thương tổn thêm: mạch máu, thần kinh, da, cơ, biến gãy kín thành gãy hở,…
Nguyên tắc
- Đánh giá: mạch cảm giác vận động của chi trước và sau khi cố định. Bộc lộ, đánh giá (có thể chụp ảnh) vùng tổn thương trước khi cố định
- Nẹp phải đủ dài để bất động vững chắc. Bất động một khớp trên và một khớp dưới chỗ gãy xương. Bất động trên và dưới vị trí khớp tổn thương
- Buộc dây cố định nẹp phải trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy, trên khớp và dưới khớp
- Không cố nhét phần xương hở trở lại vào trong da
- Bất động chi theo tư thế chức năng hoặc tư thế bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Đối với chi trên gấp khuỷu 900, đối với chi dưới gấp gối ở tư thế 10 – 20o
- Nếu chi bị biến dạng, gập góc nhiều, không bắt được mạch dưới vị trí tổn thương, chi tím, lạnh có thể kéo nắn trở lại tư thế giải phẫu trước khi cố định. Nếu phải nắn chi trở lại tư thế giải phẫu, cần dùng thuốc giảm đau, dãn cơ, vừa nắn vừa kéo dãn. Khi kéo cần dùng lực nhẹ nhàng, không cố nắn khi bị vướng hoặc bị mắc.
- Đối với gãy hở, bất động sau khi băng vết thương. Có thương tổn mạch máu phải băng ép cầm máu trước bất động
- Không đặt nẹp trực tiếp sát da bệnh nhân, các vị trí xương lồi phải lót bông, nẹp phải được cố định chặt
- Nhấc cao chi sau khi đã bất động (nếu không có chống chỉ định).
BẤT ĐỘNG MỘT SỐ GÃY XƯƠNG THƯỜNG GẶP
Dụng cụ bất động
- Nẹp Cramer (Kramer) (Hình 14.1) làm bằng thép, có thể uốn cong theo các vị trí cần thiết
- Nẹp cao su: làm bằng cao su hai lớp có van để bơm hơi
- Nẹp gỗ: dùng thanh gỗ bào nhẵn, có nhiều kích thước khác nhau tùy theo chi trên và chi dưới
- Nẹp tùy thực tế: tre, gỗ, vật liệu có sẵn
- Bông băng: dùng để lót vào điểm tì của nẹp, nếu không có thì dùng giấy mềm hoặc vải
- Vải, dây buộc để cố định nẹp.
Hình 14.1. Nẹp Cramer (Kramer) [1]
Bất động cột sống cổ
Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân, không cho bệnh nhân ngồi dậy. Hạn chế di lệch thứ phát khi vận chuyển bệnh nhân nghi có gãy cột sống cổ.
- Nhanh chóng và nhẹ nhàng đưa nạn nhân đến nơi an toàn
- Đặt nạn nhân trên ván cứng
- Nếu có nẹp cổ (nẹp Collar) (Hình 14.2) thì bất động cột sống cổ ngay cho bệnh nhân
- Bất động nạn nhân vào ván cứng. Không để đầu nạn nhân nghiêng sang hai bên hoặc gập cổ. Khi cần thiết nghiêng bệnh nhân phải giữ cột sống – cổ – đầu nạn nhân thẳng trục. Dùng cuộn dây để bất động nạn nhân vào ván cứng ở các vị trí: trán, hàm, ngực, hông, đùi, gối, cẳng chân, bàn chân (Hình 14.3).
- Chêm gối mềm hai bên cổ nạn nhân.
Hình 14.2. Nẹp Collar [1]
Hình 14.3. Bất động nạn nhân trên ván cứng [1]
Bất động xương đòn và xương bả vai: dùng băng thun rộng 10 – 12 cm băng cố định hai xương đòn bắt chéo sau lưng (Hình 14.4; Hình 14.5) và bất động xương bả vai bằng nẹp vải cố định vùng vai, cánh tay như Hình 14.6.
Hình 14.4. Bất động xương đòn với dây vải [1]
Hình 14.5. Đai cố định xương đòn [1]
Hình 14.6. Áo bất động vai [1]
Cố định xương sườn: nếu chỉ gãy xương sườn đơn thuần, không có mảng sườn di động, không có chấn thương ngực. Chỉ cần giảm đau cho bệnh nhân, vào viện theo dõi, xuất viện sau khi có ý kiến hội chẩn chuyên khoa Ngoại.
Cố định xương cánh tay
- Dùng nẹp vải cánh cẳng tay, trong trường hợp không có sẵn thì có thể đặt hai nẹp (Hình 14.7):
- Một nẹp bên trong, đầu trên lên tới hố nách, đầu dưới qua khuỷu tay
- Một nẹp bên ngoài, đầu trên qua mỏm vai, đầu dưới qua khuỷu tay.
- Sau đó băng cố định lại, buộc ép cánh tay vào người
- Dùng băng tam giác treo tay nạn nhân và buộc cố định vào trước ngực.
Hình 14.7. Bất động gãy xương cánh tay [1]
Cố định xương cẳng tay
- Nếu khớp khuỷu co được, để cánh tay sát thân mình, cẳng tay vuông góc với cánh tay, sau đó bất động (Hình 14.8)
- Đặt hai thanh nẹp mặt trước và mặt sau cánh tay. Cả hai nẹp đều dài quá khuỷu tay tới đầu các ngón tay
- Chêm bông hoặc vải vào điểm tì đè. Buộc cố định nẹp
- Treo tay lên cổ theo tư thế ngửa bàn tay lên trên và buộc ép vào người.
- Nếu khớp khuỷu không co được, để cánh tay thẳng, sau đó bất động (Hình 14.8)
- Đặt nẹp từ hõm nách đến bàn tay
- Dùng băng cuộn cố định vào nẹp.
Hình 14.8. Bất động nẹp gỗ gãy xương cẳng tay [1]
Hình 14.9. Bất động gãy xương cẳng tay bằng nẹp vải [1]
Cố định cổ tay, bàn tay, ngón tay
Bất động gãy xương cổ tay, bàn tay tiến hành như bất động gãy xương cẳng tay nhưng bàn tay để úp xuống (Hình 14.10).
Hình 14.10. Nẹp bất động cổ tay, bàn tay [1]
- Bất động xương ngón tay với nẹp gỗ nhỏ, nẹp Iselin hoặc buộc các ngón tay lại với nhau (Hình 14.11).
Hình 14.11. Nẹp bất động ngón tay [1]
Hình 14.12. Nẹp ngón Iselin [1]
Cố định xương cẳng chân
- Đỡ nạn nhân nằm ngửa
- Dùng nẹp vải hoặc đặt hai nẹp gỗ:
- Một nẹp phía trong, đầu trên sát bẹn, đầu dưới quá mắt cá trong
- Một nẹp từ giữa đùi đến mắt cá ngoài
- Chèn bông hoặc vải mềm vào các vị trí tì đè
- Cố định chắc hai nẹp, buộc hai chân lại với nhau tại các vị trí: trên đầu gối, sát đầu gối và sát cổ chân.
Hình 14.13. Bất động nẹp gỗ gãy xương cẳng chân [1]
Hình 14.14. Bất động bằng nẹp vải đùi cẳng bàn chân [1]
Cố định xương đùi
- Đỡ nạn nhân nằm ngửa
- Dùng nẹp đùi chống xoay hoặc đặt ba nẹp gỗ:
- Một nẹp phía trong từ mắt cá đến nếp bẹn
- Một nẹp phía ngoài từ mắt cá đến hố nách
- Một nẹp phía sau từ gót chân đến mông
- Chêm bông hoặc vải mềm vào các điểm tì đè
- Cố định chắc ba nẹp vào chi và thân ở các vị trí dưới nách, mào chậu, phía trên và dưới chỗ gãy, dưới gối, cổ chân. Buộc chi gãy đã bất động vào chi lành.
Hình 14.15. Bất động gãy xương đùi bằng nẹp gỗ [1]
- Nếu không bắt được mạch dưới chỗ tổn thương, phải dùng nẹp kéo liên tục như nẹp Thomas, Sager, Hare
Hình 14.16. Nẹp Thomas [1]
Hình 14.17. Nẹp Sager [1]
Hình 14.18. Nẹp Hare [1]
Cố định cổ chân, bàn chân, ngón chân
- Khi bất động cổ chân, bàn chân cần giữ bàn chân đúng tư thế chức năng, đặt nẹp chữ L dưới bàn chân và cẳng chân, sau đó buộc dây cố định.
Hình 14.19. Nẹp cổ chân, bàn chân [1]
- Bất động ngón chân bằng cách buộc các ngón chân với nhau
Hình 14.20. Cố định ngón chân [1]