Tổn Thương Dây Chằng Bên

PGS.TS.BS Võ Thành Toàn
Tổn Thương Dây Chằng Bên

ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Dây chằng bên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho khớp gối không trượt sang bên khi vận động. Khớp gối có dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài, các dây chằng này rất chắc và nằm sát vào hai bên bao khớp giữ cho động tác gấp – duỗi gối luôn trên một trục ngang đi qua chỗ bám của hai dây chằng này.

Dây chằng bên trong là một dải sợi dày, chắc, rộng 15 mm đi chếch từ củ bên lồi cầu trong xuống dưới và ra trước để bám vào mặt trong xương chày. Dây chằng này dính chặt vào bao khớp nên khó tách.

Dây chằng bên trong hay bị tổn thương hơn dây chằng bên ngoài. Khi dây chằng đứt, khớp gối trật sang bên, khám thấy dấu hiệu há khớp bên trong. Dây chằng bên ngoài là một thừng tròn, mảnh, đi chếch từ củ bên lồi cầu ngoài xương đùi xuống dưới và ra sau để bám vào chỏm xương mác. Dây chằng bên ngoài khi bị rách thường rách ở thấp, gần nơi bám tận vào chỏm xương mác.

Dây chằng bên là một trong những dây chằng quan trọng của khớp gối, vì thế cần phải chẩn đoán, điều trị kịp thời mới tránh được những biến chứng làm thoái hóa khớp gối.

NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ CHẤN THƯƠNG

  • Cơ chế trực tiếp: những lực chấn thương tác động mạnh vào mặt bên của khớp gối gây trật khớp gối hoặc gãy đầu trên xương chày, gãy lồi cầu xương đùi và gây tổn thương dây chằng bên.
  • Cơ chế gián tiếp: khi ngã ngồi tạo lực xoay hoặc lực tác động mạnh khi gấp gối làm cẳng chân giạng, xoay mạnh ra ngoài còn đầu dưới xương đùi xoay vào trong, lúc này dây chằng bên bị kéo căng và bị rách, đứt.

MÔ BỆNH HỌC

  • Vị trí: đứt dây chằng bên trong thường ở nửa trên hay ở giữa hoặc bật điểm bám ở lồi cầu trong xương đùi. Dây chằng bên ngoài thường rách ở thấp, gần chỗ bám tận vào chỏm xương mác.
  • Mức độ tổn thương:
    • Thương tổn nhẹ: căng dãn làm đứt một phần của dây chằng
    • Thương tổn nặng: đứt toàn bộ dây chằng.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ HÌNH ẢNH X-QUANG

Triệu chứng lâm sàng

Chủ quan:

  • Sau chấn thương, bệnh nhân thấy khớp gối sưng và nhiều khi có vết tím bầm ở mặt trong hoặc mặt ngoài gối
  • Đau nhiều, đau chói khi bệnh nhân cử động xoay khớp gối
  • Giảm cơ năng nhiều: bệnh nhân đi lại tập tễnh hoặc bất lực vận động.

Khách quan:

  • Ấn thấy đau nhất chỗ dây chằng bị đứt, ấn chỗ bám và đường đi của dây chằng cũng rất đau
  • Khám thấy dấu hiệu há khớp rõ (đứt dây chằng bên trong có há khớp bên trong, đứt dây chằng bên ngoài có há khớp bên ngoài) và có cử động bất thường sang bên.

Triệu chứng X-quang

Chụp X-quang khớp gối ở hai tư thế thẳng nghiêng và chụp khi làm động tác há khớp để so sánh và tìm tổn thương xương kết hợp.

CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH VÀ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

  • Chẩn đoán xác định: dựa vào các triệu chứng lâm sàng đủ giúp chẩn đoán được đứt dây chằng bên.
  • Chẩn đoán phân biệt:
    • Đứt dây chằng chéo: khám có dấu hiệu ngăn kéo
    • Rách sụn chêm: có hiện tượng kẹt khớp, đau ở khe khớp tương ứng.

TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

  • Tiến triển bình thường:
    • Đối với bong gân nhẹ: bệnh nhân chỉ đau trong mấy ngày đầu, khớp gối sau ít ngày bất động thì vận động trở lại bình thường
    • Đối với bong gân nặng: cần phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời mới tránh được những biến chứng ảnh hưởng đến hoạt động của khớp gối sau này.
  • Biến chứng: khi tổn thương dây chằng bên nếu không điều trị tốt có thể bị các biến chứng và di chứng.
    • Sưng, đau khớp gối kéo dài trong nhiều tháng ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt
    • Hạn chế biên độ vận động của khớp gối, cốt hóa dây chằng bao khớp quanh khớp gối
    • Giảm độ vững chắc của khớp gối, lâu ngày dẫn đến viêm khớp mạn tính, thoái hóa khớp
    • Teo cơ tứ đầu đùi nên đi lại khó khăn và đau đớn.

ĐIỀU TRỊ

  • Điều trị bảo tồn:
    • Với các trường hợp dây chằng bên bị đứt một phần hoặc chỉ bị bong điểm bám cần điều trị ngay bằng cách chọc hút hết dịch trong khớp nếu có, sau đó bó bột đùi – cổ chân trong tư thế gối gấp 10o
    • Thời gian để bột từ 5 – 6 tuần, sau khi tháo bột cho bệnh nhân tập gấp duỗi gối kết hợp điều trị lý liệu
  • Phẫu thuật:
    • Nếu đứt hoàn toàn dây chằng bên đến sớm thì mổ khâu nối lại dây chằng. Sau mổ bó bột đùi – cổ chân từ 5 – 6 tuần
    • Nếu dây chằng bên đứt đã cũ, phải mổ tái tạo dây chằng. Nhiều phương pháp tái tạo lại các dây chằng bên bị tổn thương đã được áp dụng.

Ví dụ:

  • Phương pháp tái tạo dây chằng bên trong bị đứt của Slocum – Larson (1968) dùng gân cơ bán gân để tăng cường cho bao khớp phía trong.
  • Phương pháp tái tạo dây chằng bên ngoài của Andrew (dùng dải chậu chày) của Ellison (1979) (dùng gân cơ nhị đầu đùi,…).

Tất cả các phương pháp này sau mổ đều phải bất động bằng bột đùi – cổ chân trong thời gian từ 6 – 8 tuần.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Quang Long (2005). Bộ môn Chấn thương – Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Đại học Y dược TP. HCM, Bài giảng bệnh học Chấn thương – Chỉnh hình và Phục hồi chức năng. NXB Y học

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
The best
Mới nhất Go to got a lot of the best
Nội tuyến phản hồi
Xem tất cả các bình luận